Phát triển nguồn năng lượng cho tương lai
Đồng Nai là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ điện lớn trong cả nước. Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mới đây UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các nguồn năng lượng mà tỉnh hướng đến là tiếp tục phát triển hệ thống điện lưới quốc gia, năng lượng dự trữ và năng lượng tái tạo.
* Hoàn thiện hệ thống điện lưới
Hiện nay, điện lưới quốc gia vẫn là nguồn năng lượng chính cho sản xuất và sinh hoạt, chiếm hơn 90% năng lượng sử dụng. Do đó, việc phát triển liên tục và đồng bộ hóa hệ thống lưới điện quốc gia cho các vùng, các khu vực đáp ứng yêu cầu là ưu tiên hàng đầu. Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), năm 2020, lượng tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh ước hơn 14 tỷ kWh, chiếm khoảng 6% sản lượng điện cả nước, tăng hơn 7% so với năm 2019.
Ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc PC Đồng Nai cho rằng, để đảm bảo cung ứng điện an toàn, hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, hằng năm, PC Đồng Nai đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện các công trình lưới phân phối, đường dây trung và hạ thế... Cùng với đó là nâng cấp các công trình, đường dây hiện hữu nhằm nâng công suất truyền tải.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung ứng điện cho các phụ tải của khu vực đầu tư và tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Điện lực miền Nam đang thi công công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối; đường dây 110kV Định Quán - Vĩnh An; trạm biến áp 110kV khu đô thị Long Hưng. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cũng đang triển khai 5 công trình trên địa bàn 2 huyện Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.
Việc đầu tư mới, nâng cấp và hoàn thành các công trình điện kết nối nói trên vừa phù hợp với kế hoạch phát triển mạng lưới của ngành Điện vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Ngành điện cũng cho rằng, khó khăn hiện nay là hầu hết các công trình đang triển khai đều vướng mặt bằng và cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, địa phương của tỉnh. Trong đó, có những công trình điện kéo dài nhiều năm chưa thực hiện xong như trạm biến áp 110kV Giang Điền.
Ông Lương Ngọc Hồi, Phó tổng giám đốc Công ty Great Kingdom Giang Điền cho rằng, nguồn điện rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô sản xuất, đề ra kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn nếu nguồn cung ứng điện sản xuất không đủ. “Chúng tôi mong muốn ngành Điện sớm hoàn thành công trình, đảm bảo ổn định nguồn cung cho các doanh nghiệp. Việc đảm bảo nguồn cung ứng điện ổn định, an toàn sẽ là lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh” - ông Hồi chia sẻ.
* Phát triển năng lượng sơ cấp
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống điện lưới, kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo tính tin cậy và bền vững. Các nguồn để phát triển là than, xăng dầu và năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Sở Công thương chủ trì thực hiện dự trữ than phù hợp, đáp ứng yêu cầu cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện; phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xây dựng kế hoạch dự trữ xăng dầu, khí, trong đó, dự trữ xăng dầu đạt 90 ngày bình quân tiêu thụ năng lượng của tỉnh. Về năng lượng tái tạo, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án năng lượng mặt trời mái nhà, khuyến khích đầu tư các nhà máy điện sử dụng nguồn từ rác thải đô thị, chất thải rắn. Hiện tại, một số khu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh có chủ trương đầu tư hệ thống đốt rác thải phát điện, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và giảm chôn lấp rác.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế và có sẵn hạ tầng để phát triển năng lượng tái tạo. Đó là hệ thống mái nhà xưởng trong các khu, cụm công nghiệp tập trung; mái của các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trang trại chăn nuôi; mái nhà dân. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cá nhân không phải tốn tiền đầu tư hạ tầng, chỉ cần gắn thiết bị để thu năng lượng phục vụ mục đích sản xuất, tiêu dùng hoặc bán lại cho ngành Điện. Đó là nguồn nguyên liệu khổng lồ từ rác thải sinh hoạt, trung bình gần 1,9 ngàn tấn/ngày. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia.
Để đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển, tới đây, tỉnh sẽ cơ cấu lại các lĩnh vực có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao, đặc biệt là khu vực sản xuất công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Tiếp tục thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng; ưu tiên thu hút đầu tư dự án sử dụng công nghệ cao, ít tiêu tốn điện năng, cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dây chuyền, máy móc hiện đại. Khuyến khích tư nhân (nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ gia đình) đầu tư phát triển năng lượng.
Kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2030, năng lượng sơ cấp của Đồng Nai đạt 6 triệu tấn TOE (tấn dầu quy đổi), năm 2045 đạt 11,5 triệu tấn TOE. Cùng với đó, Điện lực Đồng Nai đảm bảo nguồn phát cung cấp đủ cho công suất tối đa 5,8 ngàn MW, trong đó, điện từ năng lượng tái tạo và điện sinh khối đến năm 2030 là 15% và đến năm 2045 là 25%. Dự trữ xăng dầu đạt 90 ngày tiêu thụ bình quân; tiết kiệm năng lượng đạt 7% vào năm 2030 và tăng lên 14% vào năm 2045.