Phát triển nguồn nhân lực, cải thiện năng suất, chất lượng nhờ TWI
Mô hình Nhóm huấn luyện – TWI là công cụ cơ bản để cải tiến năng suất, ổn định chất lượng. Khi triển khai đồng bộ các hoạt động cải tiến sẽ giúp giảm các tổn thất, lãng phí, cải thiện môi trường làm việc, mang lại kết quả đáng kể về năng suất cho doanh nghiệp.
TWI là chương trình đào tạo các kỹ năng quản lý thiết yếu dành cho cấp quản lý, giám sát đội nhóm. Công cụ TWI sẽ đem lại cho doanh nghiệp những giá trị thực tiễn như chuẩn hóa tay nghề, tăng năng suất chất lượng, giảm thời gian đào tạo, làm việc an toàn hơn, cải thiện tinh thần làm việc và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình TWI thuộc dự án Năng suất quốc gia mà Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) chủ trì triển khai. Tiêu biểu có thể kể đến Công ty XNK Dung Quất, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát.....
Trong đó, với công ty XNK Dung Quất, trước khi áp dụng TWI, Công ty phải đối mặt với những khó khăn đặc thù chung của ngành gỗ và các vấn đề liên quan đến sản xuất như hao phí gỗ nguyên liệu, tỉ lệ sai lỗi, biến động về mặt nhân sự, chênh lệch về tay nghề, máy móc thiết bị chạy không tải và đặc biệt là chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Xác định được vấn đề trọng yếu nằm ở đội ngũ “giám sát tuyến đầu”, Ban lãnh đạo công ty XNK Dung Quất đã đăng ký tham gia nhiệm vụ Mô hình điểm TWI thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) chủ trì thực hiện với mong muốn thông qua đào tạo một cách bài bản, sẽ phần nào giải quyết những khó khăn về thời gian đào tạo nhân viên mới, nâng cao kỹ năng chuyên môn, chuẩn hóa quy trình làm việc… để từ đó nâng cao năng suất, giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
TWI là chương trình đào tạo các kỹ năng quản lý thiết yếu dành cho cấp quản lý, giám sát đội nhóm. Công cụ TWI sẽ đem lại cho doanh nghiệp những giá trị thực tiễn như chuẩn hóa tay nghề, tăng năng suất chất lượng, giảm thời gian đào tạo, làm việc an toàn hơn, cải thiện tinh thần làm việc và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Cùng với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo và kinh nghiệm của các chuyên gia SMEDEC 2, chỉ trong thời gian ngắn khoảng 8 tháng áp dụng, Công ty XNK Dung Quất đã đạt những kết quả rất tích cực. Ban lãnh đạo công ty đánh giá việc thực hiện rất hiệu quả, phần nào đã giải quyết được hơn 80% khó khăn phát sinh tại thời điểm thực hiện dự án.
Thực tiễn từ Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát, doanh nghiệp trong ngành Khuôn mẫu và Nhựa tại Việt Nam cũng cho thấy, việc áp dụng TWI đã giúp Công ty sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức thông qua việc giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn về chuyên môn, nghề nghiệp của mình và thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình một cách tự giác hơn với thái độ tốt hơn, cũng như nâng cao khả năng thích ứng của họ với các công việc trong tương lai.
Năm 2020, Công ty Vĩnh Phát đã tiếp cận được công cụ mô hình TWI thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) trực tiếp thực hiện.
Nội dung chương trình xoay quanh việc xây dựng và đào tạo các kiến thức, kỹ năng căn bản cho nhóm huấn luyện gồm: kiến thức về công việc, kiến thức về trách nhiệm, kỹ năng chỉ dẫn công việc, kỹ năng cải tiến phương pháp làm việc, kỹ năng quan hệ công việc. Hướng dẫn xây dựng các chỉ dẫn công việc; Xây dựng chương trình huấn luyện và chuẩn bị tài liệu huấn luyện; hướng dẫn nhóm huấn luyện phương pháp đánh giá hiệu quả áp dụng mô hình TWI thông qua các chỉ tiêu: nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm lãng phí, chi phí…
Trong đó, các học viên sẽ được thực hành tại xưởng sản xuất các nội dung đã học và trao đổi hai chiều với huấn luyện viên trong quá trình đào tạo. Học viên được hiểu rõ hơn về vai trò của TWI trong hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng.
Việc áp dụng TWI tại Vĩnh Phát đã giúp công ty sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có và nâng cao tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả của tổ chức. Thông qua việc trang bị kỹ năng, kinh nghiệm cho học viên giúp các học viên có kỹ năng chỉ dẫn việc cho người khác nhanh chóng làm một công việc đúng cách, an toàn, tận tâm, có thể tham gia sản xuất ngay. Xây dựng được hệ thống tài liệu đào tạo, xác định được các kỹ năng, công việc cần đào tạo và thiết lập các bảng phân tích công việc. Đánh giá trình độ kỹ năng của người lao động từ đó có kế hoạch đào tạo chủ động và phù hợp. Với kết quả, rút ngắn thời gian đào tạo từ đó loại bỏ tái đào tạo nhân viên mới, giảm sai hỏng, chất lượng ổn định và làm việc an toàn hơn.
Đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động cải tiến phương pháp làm việc đã giúp giảm các tổn thất, lãng phí, cải thiện môi trường làm việc đã đem lại kết quả bất ngờ khi chỉ số chất lượng sản phẩm luôn được duy trì ở mức cao với tỉ lệ hàng lỗi dưới 3% và tỉ lệ phế phẩm trong khoảng 1%.
Áp dụng kỹ năng quan hệ công việc cung cấp các nền tảng chuẩn mực để xây dựng mối tương quan êm đẹp và ngăn ngừa các vấn đề có thể nảy sinh. Giúp nhân viên hứng thú và quan tâm đến công việc, giảm mâu thuẫn, người lao động gắn bó với công ty hơn, tỷ lệ nghỉ việc giảm xuống dưới 4% so với trung bình ở Việt Nam là trên 20%.