PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, CHUẨN BỊ TIỀN ĐỀ CHO KINH TẾ PHỤC HỒI VÀ TĂNG TRƯỞNG DÀI HẠN

Để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, PGS. TS Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị tiền đề cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn; đồng thời nhấn mạnh đây là là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước.

Tổng thuật "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022": Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Đánh giá về một số thành tựu kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, PGS.TS Lê Văn Chiến – Viện trưởng Viện lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2022 đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt và mở cửa kinh tế trở lại. Đến nay, các tổ chức quốc tế đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam cao hơn so với đầu năm. Ngân hàng thế giới nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,5% lên 7,5%. Quỹ tiền tệ quốc tế, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 6,5% hồi đầu năm lên 7% trong báo cáo gần đây. Một số thành tựu nổi bật có thể kể đến như tăng trưởng kinh tế cao; lạm phát được kiểm soát; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn có sự tăng trưởng; tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp; ngân sách vẫn được đảm bảo.

Mặc dù, nền kinh tế đã có phục hồi nhanh chóng và tương đối vững chắc từ đầu năm 2022 đến nay, tuy nhiên, PGS. TS Lê Văn Chiến nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro trong thời gian tới. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến dịch trên thế giới còn phức tạp. Cùng với nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, một số dịch bệnh mới như bệnh Đậu mùa khỉ hoặc nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới trong tương lai là những rủi ro có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, xung đột chính trị, quân sự Nga - Ukraina và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc khiến kinh tế các nước trên thế giới, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi chậm chạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trong nước cũng như sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung. Nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát khá lớn, sức ép cả từ phía nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước; tốc độ giải ngân đầu tư công chậm và sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các ngành và các địa phương.

Theo PGS.TS Lê Văn Chiến, những kết quả đạt được trong thời gian qua là nhờ sự chỉ đạo của Đảng, quyết sách kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, để phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch cần lấy mục tiêu lâu dài, phát triển bền vững làm căn cứ để định ra các chủ trương, chính sách, không vì tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh cũng như những giải pháp phục hồi kinh tế đã được đưa ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, PGS.TS Lê Văn Chiến cho rằng Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Ngân hàng Nhà nước cần nâng lãi suất, thắt chặt cung tiền tệ để kìm áp lực lạm phát. Đồng thời tăng cường giám sát an toàn, đảm bảo các ngân hàng tuân thủ đầy đủ các quy định về dự phòng và báo cáo nợ xấu nhằm nâng cao khả năng chống chịu và năng lực hấp thụ lỗ của các ngân hàng.

Cùng với đó, các cấp, các ngành cần cải thiện khâu thực thi chính sách, nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần phải được thực hiện triệt để. Cải cách thể chế về đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, khắc phục tình trạng các chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch. PGS.TS Lê Văn Chiến cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng Chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam dài hạn, coi đó là ngành kinh tế mùi nhọn của đất nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam không chỉ đơn thuần là quy hoạch điểm đến của khách du lịch mà cần có lộ trình, nguyên tắc, kế hoạch phát triển sản phẩm, phát triển nhân lực, quy hoạch các địa điểm thu hút khách du lịch một cách bài bản, tăng cường quảng bá du lịch để thu hút khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam.

Ngoài ra, PGS.TS Lê Văn Chiến nêu rõ một trong những giải pháp rất quan trọng là phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị tiền đề cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng trong dài hạn; nhấn mạnh nhân lực luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước. Song song với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cần có quy hoạch phát triển các trường đại học, các trường dạy nghề, đưa công nghệ cao vào các trường dạy nghề nhằm nhanh chóng tạo ra một lực lượng lao động có trình độ cao, có kỹ năng mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nền kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=68565