Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp vi mạch TPHCM

Để tiếp tục thực hiện 'Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030', UBND TPHCM vừa giao Sở Thông tin-Truyền thông tổ chức khảo sát nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và vi mạch bán dẫn, để xây dựng kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Kiểm định lõi IP tại ICDREC.

Kiểm định lõi IP tại ICDREC.

Đồng thời phát triển thị trường vi mạch điện tử; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TP.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao cần tiếp tục vận hành và khai thác hiệu quả nhà thiết kế (Design House). Đối với đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt, hoàn tất nghiệm thu giai đoạn 1 chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017 – 2020; tổ chức hội thảo thông tin chương trình; tổ chức hội đồng xét tuyển, thu hút ít nhất 4 dự án/doanh nghiệp ươm tạo; hình thành và vận hành hiệu quả mạng lưới các chuyên gia, đối tác hỗ trợ cho các dự án ươm tạo.

Vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ ươm tạo doanh nghiệp; tổ chức ít nhất 2 hội thảo chuyên đề nhằm giới thiệu các công nghệ, giải pháp mới trong lĩnh vực vi mạch; kết nối các dự án ươm tạo vi mạch với các nguồn lực hiện có với các nhà đầu tư và từ các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, các đề án, dự án của chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP; tổ chức ít nhất 1 khóa đào tạo về kỹ năng cần thiết trong khởi nghiệp, công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch; triển khai các hoạt động hỗ trợ ươm tạo cho các dự án ươm tạo được xét chọn vào chương trình.

Đối với dự án xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm (LAB to FAB), tổ chức chế tạo ở quy mô pilot 2000 chip cảm biến áp suất; đóng gói thành công khoảng 100 module cảm biến ứng dụng cho đô thị thông minh; tổ chức 1 – 2 khóa nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài. Từ nay đến năm 2020, xây thêm 4 trạm quan trắc ngập và ứng dụng cảm biến áp suất đã chế tạo thành công; tổ chức Hội nghị Mems lần 3…

Ngoài ra, UBND TP cũng giao Sở Khoa học-Công nghệ tiếp tục thực hiện Chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt.

Hoàng Anh

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/phat-trien-nguon-nhan-luc-cong-nghiep-vi-mach-tphcm-69368.html