Phát triển nguồn nhân lực: Khâu đột phá quan trọng

Hơn một nghìn năm qua, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi trọng yếu cho nhân tài bốn phương hội tụ. Với nguồn lực quý báu tinh hoa hội tụ đó, kinh thành xưa, Thủ đô nay đã không ngừng phát triển về mọi mặt, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Trên nền truyền thống

Lịch sử đã khẳng định, từ xa xưa, không chỉ những bậc hiền tài mà đông đảo những người thợ thủ công có tay nghề đã góp công sức xây dựng, kiến thiết nên Thăng Long - Kẻ Chợ. Từ những đội ngũ thợ tài hoa đó, không ít phường, làng nghề đã được lập nên, nay vẫn còn dấu tích, thậm chí đang hoạt động như đúc đồng Ngũ Xã, lĩnh hoa Yên Thái, gốm sứ Bát Tràng... Đó là một phần minh chứng cho thấy, trọng dụng nhân tài từ lâu đã là truyền thống quý báu luôn được phát huy ở đất ngàn năm văn hiến.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, nhân tài, nhân lực chất lượng cao càng được quan tâm, trọng dụng. Từ năm 2003 đến năm 2020, Hà Nội đã 18 năm liên tiếp tổ chức lễ vinh danh các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. 18 năm qua, đã có 1.879 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội. Không chỉ vinh danh, nhiều thủ khoa đã được tuyển dụng, được tạo điều kiện để có đóng góp tích cực xây dựng Thủ đô.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hiền tài, nhiều năm qua, thành phố luôn quan tâm, đầu tư, tạo môi trường, điều kiện nhằm đào tạo, phát huy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng, phát triển Thủ đô. Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TƯ ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 10-9-2014, trong đó nêu rõ các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực vào cuộc với những hành động, biện pháp hay, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, có chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Đến hết năm 2018, Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố có số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước với 369 đơn vị, trong đó có 224 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Số lượng học sinh, sinh viên tại các sơ sở giáo dục nghề trên địa bàn thành phố tăng đều qua từng năm. Cụ thể, riêng trong giai đoạn 2014 - 2018, số lượng qua đào tạo đạt 891.153 lượt người (bình quân mỗi năm đạt 178.230 lượt người); số lao động qua đào tạo nghề đã tăng từ 148.992 lượt người năm 2014 lên 212.789 lượt người năm 2018. Chất lượng dạy nghề có chuyển biến tích cực với cơ cấu ngành nghề đa dạng, đã đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, giúp người học nghề dễ dàng có việc làm sau khi tốt nghiệp...

Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đánh giá: Giáo dục nghề nghiệp của Thủ đô đã có bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,12% (năm 2015) lên 70,23% (năm 2020); tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Các đơn vị đã chủ động trong hợp tác quốc tế, xây dựng và chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế. Nhiều doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Hà Nội dẫn đầu cả nước trong nhiều kỳ thi, hội thi tay nghề cấp quốc gia, quốc tế...

Đó là kết quả ấn tượng, phù hợp với xu thế, nhu cầu phát triển trong một thế giới không ngừng chuyển động, thay đổi hiện nay.

Một lớp đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Tiếp tục chủ động, tích cực hơn

Dù nhiệm kỳ qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng Chương trình số 06-CTr/TU đã thẳng thắn chỉ rõ rằng “việc huy động, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chưa đạt kết quả như mong muốn; chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế, nhất là đối với lĩnh vực thu hút tài năng đặc biệt”. Được biết, gần 20 năm qua, thành phố mới tuyển dụng được khoảng 10% số thủ khoa đã được vinh danh về làm việc. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn nữa của các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là trong bối cảnh mới, với những thách thức mới đặt ra.

Còn nhớ, tại phiên họp đặc biệt của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về “Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” - diễn ra vào cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, thế giới đang trải qua những biến đổi to lớn, nổi bật là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch Covid-19... Những thách thức đó khiến nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất dần thay đổi và sẽ xuất hiện những ngành nghề mới, phương thức sản xuất mới, việc làm mới.

Đáng nói hơn, theo các nghiên cứu, trong khoảng 10 - 15 năm tới, do tác động của công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, khoảng 1/3 số công việc trên thế giới ở thời điểm hiện tại sẽ thay đổi khiến khoảng 40% lao động phải bổ sung kỹ năng thì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Với khu vực ASEAN, dự báo tỷ lệ này còn cao hơn. Điều đó đặt ra yêu cầu nhìn nhận lại những thói quen, cách thức làm việc để có sự điều chỉnh, tổ chức lại cho phù hợp. Để không bị động, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao càng có ý nghĩa quan trọng.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội - một trong 4 trường cao đẳng công lập được ưu tiên đầu tư để trở thành trường chất lượng cao có một số nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế - cho biết: Bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của thành phố thì tinh thần chủ động, nỗ lực của mỗi cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, nhà trường còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bảo đảm yêu cầu “học đi đôi với hành”, tìm kiếm việc làm, thu nhập cho sinh viên ngay khi còn đang đi học. Đặc biệt, những năm gần đây, trường còn nhận đào tạo theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp. Rõ ràng, đó là những cách làm hay, hiệu quả, cần được phát huy.

Về phía mình, Thành đoàn Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 174-KH/TĐTN-BTG về Hành động của thanh niên Hà Nội tham gia thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, kế hoạch này đã nêu rõ, ngoài tích cực tổ chức các hoạt động thúc đẩy học tập, nghiên cứu khoa học thì Thành đoàn sẽ tập trung cho công tác hướng nghiệp. Cụ thể là thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường học; tổ chức cho thanh niên tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình thành công; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Thành đoàn cũng sẽ liên kết, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp bằng những hình thức trải nghiệm thực tế, dễ hiểu...

Rõ ràng, sự chủ động, tích cực vào cuộc của mỗi đơn vị là rất quan trọng để biến các chủ trương, kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng thành hiện thực, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

(Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1005820/phat-trien-nguon-nhan-luc-khau-dot-pha-quan-trong