Phát triển nguồn thức ăn xanh phục vụ chăn nuôi bò thịt, bò sữa

Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học 'Nghiên cứu phát triển nguồn thức ăn xanh và công thức phối hợp khẩu phần thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản và bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng'. Đề tài do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện.

TS.Trương La - Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước hội đồng nghiệm thu

TS.Trương La - Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước hội đồng nghiệm thu

Là tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi bò sữa và bò thịt, tính đến nay, đàn bò của Lâm Đồng có khoảng 106.000 con; trong đó, 86.000 con bò thịt, hơn 20.000 con bò sữa. Diện tích cỏ trồng phát triển, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò, nhất là vào mùa khô. Việc xác định giống cỏ có tiềm năng, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp (thân cây ngô và rơm lúa) dồi dào để chế biến thức ăn chăn nuôi bằng phương pháp sinh học, sử dụng khẩu phần ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho bò nhằm tăng năng suất, chất lượng sữa và thịt; phát triển nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, góp phần phát triển chăn nuôi bò bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng giá trị sản xuất là những vấn đề cấp thiết đặt ra.

Sau hơn 2 năm tiến hành nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học do TS.Trương La làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát tình hình chăn nuôi bò thịt và bò sữa tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Cát Tiên; xác định một số giống cỏ cho năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu quy trình chế biến dự trữ thức ăn thô xanh với các thí nghiệm: ủ chua cỏ và phụ phẩm (cây ngô, rơm) bằng men vi sinh, ủ rơm urê; nghiên cứu sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh (gọi tắt là TMR) cho từng đối tượng bò: bò thịt cao sản sinh trưởng, vỗ béo bò thịt cao sản, bò sữa đang khai thác, nuôi bò cạn sữa; xây dựng 3 mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản và bò sữa tại Đơn Dương, Đức Trọng và Cát Tiên; đào tạo 20 kỹ thuật viên là cán bộ chăn nuôi thú y, khuyến nông huyện, xã ở 2 điểm thực hiện mô hình, chuyển giao kỹ thuật cho 200 nông dân đang chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Các thành viên trong hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu

Các thành viên trong hội đồng khoa học đánh giá cao kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy: giống cỏ được trồng phổ biến tại Lâm Đồng là VA06 (50,4%), cỏ voi (20,9%), cỏ voi xanh Đài Loan (14,3%), cỏ sả (11%); năng suất của cỏ voi xanh Đài Loan cao nhất đạt 276,2 tấn/ha/năm. Sử dụng men Lactic để ủ chua cỏ, rơm lúa, thân cây ngô sau thu hoạch tạo nguồn thức ăn cho bò có chất lượng tốt; sử dụng khẩu phần TMR có bột ngô, cám gạo trong thành phần để nuôi bò thịt, bò sữa, bò tăng khối lượng nhanh, năng suất sữa cao hơn, hiệu quả kinh tế lớn hơn bò nuôi bằng phương pháp truyền thống không sử dụng khẩu phần TMR.

Đề tài nghiên cứu đã được các nhà khoa học có uy tín trong ngành chăn nuôi đánh giá xuất sắc vì tính khoa học và giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã đầu tư công sức nghiêm túc, trách nhiệm; báo cáo được thể hiện hoàn chỉnh, đầy đủ, rõ ràng, logic, khoa học. Đề tài đã được Hội đồng phản biện, Hội đồng khoa học bỏ phiếu thông qua, sẽ nhanh chóng chuyển giao cho nông dân, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững trong chăn nuôi bò.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/khoahoc/201906/phat-trien-nguon-thuc-an-xanh-phuc-vu-chan-nuoi-bo-thit-bo-sua-2950953/