Phát triển nhà máy số: Ưu tiên lớn của ngành Công Thương
Phát triển nhà máy số chính là tâm điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Đây cũng là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương trong phát triển nền sản xuất hiện đại thời gian tới.
Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN - Bộ Công Thương) - nhận định, với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu KH&CN hiện đại trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc CMCN 4.0 được dự báo sẽ thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và Việt Nam trong tương lai không xa. Tâm điểm của cuộc cách mạng này chính là các nhà máy thông minh, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, tính linh hoạt và hiệu quả, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhằm cụ thể các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) về phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam thông qua giới thiệu công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại ở một số ngành công nghiệp tiêu biểu được cả hai bên quan tâm.
Để triển khai nội dung này, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens đã thống nhất lựa chọn áp dụng thí điểm Bộ Chỉ số mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI) do Chính phủ Singapore xây dựng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Singapore thực hiện chuyển đổi số. Đã có trên 200 doanh nghiệp Singapore cũng như các doanh nghiệp tại nhiều quốc gia triển khai áp dụng SIRI, mang lại những hiệu quả rất rõ nét.
"Việc có Bộ chỉ số đánh giá công nghiệp thông minh mang tính định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất trong tiến trình số hóa hoạt động của mình là rất cần thiết" - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh. Từ phía doanh nghiệp, kết quả đánh giá sẽ cung cấp bức tranh toàn diện về hiện trạng doanh nghiệp so với các yêu cầu phát triển sản xuất thông minh. Đối với đơn vị tư vấn, kết quả này là thông tin đầu vào quan trọng, hỗ trợ đơn vị tư vấn đưa ra phương án toàn diện và lộ trình, hay cách đi phù hợp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương sẽ cùng Tập đoàn Siemens, Hội đồng Phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, Công ty Tuv Sud khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng Bộ chỉ số SIRI tại các doanh nghiệp miễn phí trong tháng 11, 12/2019. Được biết, Bộ Công Thương đã lựa chọn được 15 doanh nghiệp phù hợp để nhận sự hỗ trợ của chương trình. Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 doanh nghiệp tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số. Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy theo hướng công nghiệp 4.0 được ưu tiên lựa chọn. "Trong trao đổi ở những hội nghị tổ chức thời gian qua, các bên liên quan đều thống nhất cần phải đến giai đoạn triển khai cụ thể, cụ thể hóa những định hướng, khái niệm, cách nhìn nhận về CMCN 4.0. Đồng thời, cùng phối hợp xây dựng các mô hình thí điểm, lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội" - ông Trần Việt Hòa nói.