Phát triển nhà ở xã hội cần những giải pháp đồng bộ (Bài 1)
Là một trong những tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh có tốc độ phát triển KT-XH hàng năm duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ 12 cả nước và tốp 3 cả nước về quy mô các khu công nghiệp. Những năm qua, bên cạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều đô thị được mở rộng về không gian, phát triển mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng. Việc hình thành các khu nhà ở, khu đô thị góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, các dự án (DA) phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đa số là DA nhà ở thương mại, thiếu phân khúc xây dựng các DA nhà ở xã hội (NƠXH). Trong khi đó, nhu cầu NƠXH của công nhân, lao động (CNLĐ), người có thu nhập thấp vẫn rất cao. Để đạt mục tiêu hoàn thành 95.000 căn NƠXH vào năm 2030 rất cần những giải pháp đồng bộ.
Bài 1: Công nhân, lao động “khát” nhà ở xã hội
Qua kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh, thu nhập bình quân của CNLĐ trên địa bàn tỉnh khoảng 4,8 triệu đồng/tháng. Với chi phí thuê nhà ở từ 600.000-2 triệu đồng/tháng, sau thời gian làm việc, tích lũy, có khảng 60% CNLĐ rời Long An về quê. Nhiều CNLĐ không thể tích lũy đủ để mua nhà ở như giá thị trường hiện nay.
Nhà ở xã hội giúp công nhân, lao động “an cư, lạc nghiệp”
Ký túc xá (KTX) Bình An của Công ty (Cty) CP Dệt Đông Quang (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) nhiều năm qua là mái ấm chung của các thế hệ CNLĐ. Nhiều người ở đây gắn bó với Cty lên đến trên 10 năm. Với 528 phòng, sức chứa tối đa khoảng 2.000 CN, so với các nhà trọ CN khác tại huyện Đức Hòa, KTX Bình An có giá thuê thấp hơn 200.000 đồng/phòng/tháng.
Anh Châu Chên (quê huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có gần 4 năm gắn bó với KTX Bình An và Cty CP Dệt Đông Quang. Với anh, KTX Bình An cũng như mái ấm chung cho các CNLĐ. “Ở đây rất thuận lợi cho công việc, phòng rộng rãi, an ninh bảo đảm giúp chúng tôi yên tâm nghỉ ngơi sau những giờ làm việc mệt nhọc. Điều quan trọng hơn, việc ở tại KTX cũng giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản để lo cho cuộc sống” - anh Châu Chên cho biết.
Đa số LĐ thuê trọ tại KTX Bình An có hoàn cảnh khó khăn đến từ tỉnh An Giang, Trà Vinh, nhiều người trong số họ bị mù chữ, thậm chí có cả gia đình đến đây đều mù chữ. Vì vậy, nhiều năm qua, trong khuôn viên KTX, những tiếng “ê, a” từ lớp xóa mù chữ vẫn đều đặn ngân vang. Lớp học đã giúp nhiều người, nhất là các em nhỏ biết được con chữ, làm phép tính. Hiện lớp xóa mù chữ tại khu KTX có khoảng 100 em theo học. Theo đại diện Ban Quản lý khu KTX Bình An, để tạo điều kiện xóa mù chữ cho LĐ, nhất là các em nhỏ, 10 năm qua, KTX duy trì lớp học. Sau khi được trang bị kiến thức cơ bản, chính các em lại được Cty nhận vào làm việc. Thời gian qua, có trên 60 em đã hoàn thành lớp học và được nhận vào Cty CP Dệt Đông Quang làm việc với thu nhập ổn định.
Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Cty CP Dệt Đông Quang - Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động, bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cty đặt mục tiêu ổn định cuộc sống của CN. Năm 2007, Cty triển khai DA nhà ở KTX cho CN với số vốn đầu tư 30 tỉ đồng nhằm giúp CNLĐ có nơi ở ổn định, an tâm làm việc, gắn bó với Cty. Nhiều CN từ khi vào ở tại KTX đã ở đây nhiều năm, có gia đình gắn bó 2 thế hệ”. Ngoài khu KTX Bình An, hiện trên địa bàn huyện Đức Hòa cũng có nhiều khu nhà trọ CN tập trung do tư nhân xây dựng như khu nhà trọ 469 (xã Đức Hòa Hạ) với trên 600 phòng; khu nhà trọ Hai Bình (xã Đức Hòa Hạ) với 219 phòng trọ, an ninh khép kín phần nào đáp ứng nhu cầu ở trọ của CNLĐ trên địa bàn.
Còn tại Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu, huyện Cần Giuộc, từ năm 2009 đến nay, khu lưu trú CN với quy mô 1,35ha, gồm 594 phòng được đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu an cư cho CN trong KCN với đầy đủ tiện ích như khuôn viên cây xanh, khu thể thao, phòng khám bệnh,... Theo Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh, Cty CP Long Hậu - Bùi Lê Trung Hiếu, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu giữ chân người LĐ rất quan trọng. Việc xây dựng khu lưu trú cũng là yếu tố để giúp CN yên tâm LĐ.
“Theo tôi, không riêng gì KCN Long Hậu mà tất cả KCN hiện nay đều rất cần xây dựng các khu lưu trú cho CNLĐ. Trong đó, các khu lưu trú cần bảo đảm cho người LĐ được thụ hưởng những tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí sau giờ LĐ, sản xuất” - ông Bùi Lê Trung Hiếu nói.
Người lao động trông chờ nhà ở xã hội
Nhiều năm làm việc tại tỉnh Long An, chị Thạch Thị Huỳnh Thay (quê tỉnh Trà Vinh) vẫn phải ở trọ vì không thể tiếp cận giá nhà đất hiện tại. “Với tôi cũng như nhiều CNLĐ phổ thông, mong ước về căn nhà để “an cư, lạc nghiệp” vẫn chỉ dừng lại ở ước mơ. Mức lương 5-7 triệu đồng/tháng, trừ các chi phí sinh hoạt, số còn lại không đủ tích lũy để mua nhà. Tôi chỉ mong Nhà nước có các DA nhà ở dành riêng cho người LĐ có thu nhập thấp với mức giá hợp lý, chính sách chi trả ưu đãi để chúng tôi có nơi ở ổn định, gắn bó với tỉnh Long An” - chị Thay cho biết.
Theo anh Nguyễn Văn Thương (CN KCN Tân Đức, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), ngoài các khu nhà trọ tập trung, hiện rất nhiều CNLĐ mong muốn “mua được đất, cất được nhà” để gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, giá đất trên địa bàn huyện Đức Hòa hiện nay rất cao. “Muốn mua đất, cất nhà ít nhất phải có trong tay tiền tỉ. Trong khi số tiền đó vượt quá khả năng của CN. Vì vậy, chúng tôi mong địa phương có sự quan tâm đầu tư các khu NƠXH với giá thành phù hợp để CNLĐ dễ dàng tiếp cận” - anh Thương bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Nguyễn Văn Thọ, hiện trên địa bàn xã có khoảng 20.000 người thường trú và 40.000 người tạm trú, chủ yếu là CNLĐ tại nhà máy, xí nghiệp. “Đối với xã phát triển công nghiệp như Đức Hòa Hạ, nhu cầu nhà ở CN, NƠXH rất lớn. Chúng tôi rất mong tỉnh có những chính sách để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư phân khúc này. Điều đó không chỉ giúp CNLĐ có nơi ở ổn định, gắn bó với doanh nghiệp mà còn giúp địa phương trong công tác chỉnh trang diện mạo, bảo đảm an ninh, trật tự” - ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.
Theo kết quả khảo sát và nắm tình hình quan hệ LĐ, thu nhập, đời sống, việc làm của đa số CNLĐ trên địa bàn tỉnh, thu nhập bình quân của 1 CNLĐ trên địa bàn tỉnh khoảng 4,8 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà ở từ 600.000-2 triệu đồng/tháng. Hiện có khoảng 60% CNLĐ nhập cư sau thời gian làm việc, tích lũy rời tỉnh Long An về quê, bởi vì với thu nhập của CNLĐ hiện tại rất khó để có thể tự mua đất, xây nhà ở.
“Đa số CNLĐ mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đầu tư nhiều khu nhà ở dành cho CNLĐ, NƠXH để CNLĐ tiếp cận, hưởng các chính sách ưu đãi như thuê, mua NƠXH với mức giá hợp lý trong khoảng từ 300-400 triệu đồng/căn” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết.
Mặc dù nhu cầu NƠXH vẫn đang rất nóng nhưng hiện tại, việc phát triển NƠXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, không đạt chỉ tiêu đề ra, thậm chí có năm không có bất kỳ căn NƠXH hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng./.
Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, phần lớn nhà lưu trú, khu nhà trọ công nhân được xây dựng đã lâu, xuống cấp, diện tích nhỏ, hẹp khiến điều kiện ăn ở, sinh hoạt gặp không ít khó khăn. Mặt khác, các nhà trọ tư nhân hiện nay đa số có quỹ đất nhỏ, chủ yếu xây dựng các phòng trọ liền kề, không có khu vui chơi, giải trí sau giờ lao động, sản xuất.