Phát triển nhà ở xã hội: Vẫn cần vốn vay ưu đãi

Việc phát triển các sản phẩm bất động sản (BĐS) giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) vốn đã chật vật vì quỹ đất tại các đô thị bị thu hẹp, nay lại càng khó khơn khi thiếu nguồn vốn. Để gỡ nút thắt cho dòng sản phẩm này, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) mới đây đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện hỗ trợ 50% vốn vay ưu đãi cho người thuê, mua nhà.

 Các dự án nhà ở xã hội vẫn cần phải có nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Các dự án nhà ở xã hội vẫn cần phải có nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Khan hàng nhưng vẫn ế

Thống kê của Bộ Xây dựng, trong chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở của Chính phủ đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở nhưng thực tế mới chỉ đạt được khoảng 34,3% so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến hết năm 2019, mới hoàn thành được 207 dự án, quy mô xây dựng xấp xỉ 86.000 căn tại các đô thị và phục vụ công nhân các khu công nghiệp. Riêng trong năm 2019 chỉ hoàn thành được 9 dự án NƠXH, quy mô trên 4.100 căn hộ.

Việc thiếu nguồn vốn đang ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của các dự án NƠXH. Song không thể không nhắc tới những bất cập liên quan đến thủ tục hành chính. Để một dự án BĐS từ khi lập quy hoạch đến khi đưa vào triển khai phải mất ít nhất 3 – 4 năm, có dự án sau khi đã được cấp phép xây dựng lại dính vào khu vực phải quy hoạch lại nên phải làm lại từ đầu.

Chuyên gia tài chính Đoàn Văn Cương

Theo lý giải của Bộ Xây dựng, việc thiếu nguồn vốn là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ về tiến độ thực hiện các dự án này. Đã từng có thời kỳ thị trường BĐS đóng băng nhưng nhờ có nguồn vốn hỗ trợ 30.000 tỷ đồng từ Chính phủ, các dự án NƠXH từ giữa năm 2013 đến 2016 đã phát triển nhanh chóng, phá tan băng thị trường. Song, sau khi gói tín dụng này kết thúc vào cuối năm 2016, tình hình phát triển các dự án đã giảm sút mạnh mẽ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2019, hầu như sản phẩm nhà ở giá rẻ bị “mất tích” trên thị trường.

Việc không được hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã khiến cho phân khúc NƠXH dù nhu cầu rất lớn, nguồn hàng luôn khan nhưng vẫn ế. Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, không ít dự án NƠXH tại Hoài Đức, Quốc Oai, Đông Anh (Hà Nội) hay tại TP Hồ Chí Minh rất khó bán, thậm chí có dự án thông báo nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà đến hàng chục lần vẫn chưa kết thúc.

Đề xuất khó khả thi?

Nhằm gỡ nút thắt này, mới đây Hiệp hội BĐS Việt Nam - VNREA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng cường hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thu nhập thấp mua NƠXH theo 2 kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại do Nhà nước chi phối. Đề xuất cũng dẫn giải quy định của Luật Nhà ở rằng, hàng năm Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua NƠXH. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank do Nhà nước chi phối được cấp bù lãi suất vay từ 3 - 4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. "Như vậy, nếu cấp 1.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay từ 3 - 4%, thì mỗi năm có thể huy động thêm được từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho NƠXH. Tuy nhiên, thực tế năm 2019 vẫn chưa có nguồn kinh phí này hỗ trợ cho người mua và DN xây dựng dự án NƠXH" - VNREA phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhìn nhận, trong suốt thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tìm các nguồn ngân sách mới bổ sung cho các dự án NƠXH. Tuy nhiên, thực tế với việc nợ công cao, chi ngân sách thường xuyên nhiều, thật khó để tìm ra một gói ngân sách nào như gói 30.000 tỷ đồng tiếp theo. "Trong tình hình dịch Covid -19 hiện nay, đề xuất của VNREA , tôi e là khó khả thi" - GS.TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-nha-o-xa-hoi-van-can-von-vay-uu-dai-378993.html