Phát triển nhân lực bán dẫn: Cần hành động mang tính đột phá để đạt mục tiêu

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã đưa ra các mục tiêu rất rõ ràng, đặc biệt là trong việc phát triển nguồn nhân lực, qua đó khẳng định tầm nhìn dài hạn và sự đầu tư đúng hướng. Việt Nam cần tăng tốc và đột phá như thế nào để hoàn thành mục tiêu được đánh giá là tham vọng này, trong khi thời gian chỉ còn lại 5 năm?

Chính phủ vừa ban hành “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” và phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" với mục tiêu đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, trong đó xác định trụ cột chiến lược là nguồn nhân lực. Vnbusiness.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam, sáng lập nhóm Cộng đồng Vi mạch Việt Nam xoay quanh chủ đề này.

Ông đánh giá thế nào về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam mới được ban hành, trên cả hai góc nhìn: đại diện doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và một kỹ sư được đào tạo, phát triển tại Việt Nam?

Thời gian qua, trên báo chí và các phương tiện truyền thông nói tới rất nhiều ưu đãi dành cho thu hút đầu tư phát triển bán dẫn, đã có những quyết định được ký và ban hành. Là đại diện doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hoạt động kinh doanh dịch vụ thiết kế chip sử dụng nút tiến trình tiên tiến nhưng cho đến hiện tại, tôi vẫn chưa cảm nhận được những ưu đãi đó hiện hữu trong thực tế với công ty tôi đang làm việc. Chiến lược bán dẫn mới được ban hành phản ánh cam kết chính trị ở mức cao nhất, là cơ sở đảm bảo cho việc cụ thể hóa cũng như hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ tới tận tay các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam hiệu quả hơn.

Là một kỹ sư Việt Nam, theo đuổi lĩnh vực này tròn 20 năm, tôi thấy được động viên rất lớn vì lĩnh vực nghề nghiệp tôi làm việc đã được Chính phủ ưu tiên ban hành chiến lược phát triển riêng với tầm nhìn đủ dài và các mục tiêu cụ thể, có thể đong đếm được. Bài toán đã rõ ràng, từ giờ chúng ta sẽ không bàn tới việc liệu các mục tiêu có đạt được hay không nữa mà sẽ bàn cùng nhau làm gì để đạt được mục tiêu.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) tại Việt Nam.

Trong Chiến lược này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng ta đang cách mục tiêu bao xa, thưa ông?

Theo thông tin tôi được biết, Việt Nam đang có khoảng hơn 50 công ty thiết kế chip với hơn 5.000 kỹ sư. Trong 20 năm qua chúng ta có 5.000 kỹ sư thì tính trung bình mỗi năm chúng ta phát triển được 250 kỹ sư mới. Giữ nguyên tốc độ này tới năm 2030 chúng ta có thêm khoảng 1.500 kỹ sư mới, tức là tổng khoảng gần 7.000 kỹ sư, cách mục tiêu 8.000 kỹ sư. Rõ ràng chúng ta cần có những tác động mới, nhân tố mới mang tính đột phá để có thể đạt được mục tiêu này vì thời gian để có được một kỹ sư thiết kế phải tính bằng đơn vị là vài năm.

Cũng tương tự như vậy, hiện tại chúng ta đang có 7 nhà máy đã đi vào hoạt động và cam kết đầu tư trong thời gian tới. Giả sử mỗi nhà máy cần 3.000 nhân lực thì chúng ta sẽ có 21.000 nhân lực, như vậy cách mục tiêu khoảng 14.000 nhân lực. Đây cũng là một thách thức không hề nhỏ.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không làm được, nói ra để thấy độ khó và cùng nhau giải bài toán. Người Việt Nam rất giỏi toán, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể giải được nếu nhìn rộng ra thị trường khu vực và toàn cầu.

Ông đánh giá thế nào về hiện trạng nguồn nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam, liệu có đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng?

Từ góc độ là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết kế chip, tôi có thể nói các kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam hiện có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế, kể cả là những chip có độ phức tạp cao dùng trong ứng dụng máy chủ, máy tính toán hiệu năng cao, chip cho automotive hay chip cho AI.

Cũng phải nói thêm rằng, nguồn nhân lực thiết kế chip ở Việt Nam bắt đầu giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ năm 2005 - 2006, nghĩa là Việt Nam đang sở hữu một nhóm kỹ sư lành nghề với 20 năm kinh nghiệm. Và theo ước tính của Cộng Đồng Vi mạch Việt Nam thì chúng ta cũng đang có đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip với tuổi nghề trung bình vào khoảng 5 - 6 năm. Đây là độ tuổi có nhiều năng lượng sáng tạo và rất khát khao vươn lên khẳng định mình trong sự phát triển nghề nghiệp của bản thân.

Tuy nhiên, đa số các công ty thiết kế chip ở Việt Nam đóng vai trò như một chi nhánh cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án đến từ trụ sở công ty mẹ ở nước ngoài. Nên Việt Nam chưa xuất hiện đội ngũ đông đảo ở mức tổng công trình sư, tự tin thiết kế hoàn chỉnh và thương mại hóa được chip. Nghĩa là kỹ sư ở Việt Nam được tham gia như một thành viên trong đội dự án chứ chưa phải là người quyết định toàn bộ, tính sở hữu thiết kế nếu có chỉ là một hoặc vài công đoạn.

Ngoài ra, ở Việt Nam cũng chưa có nhà máy chế tạo chip. Các kỹ sư ở Việt Nam khi tham gia vào khâu thiết kế cũng sẽ thường bị tách rời hệ sinh thái nghiên cứu, cải tiến kiến trúc bóng bán dẫn. Nếu có thì cũng là tìm hiểu qua các bài báo chứ hầu như không có cơ hội trải nghiệm thực hành, trong khi đối tượng mà các thiết kế dựa vào lại chính là các bóng bán dẫn. Do đó so với kỹ sư ở các nước tiên tiến, kỹ sư ở Việt Nam đang bị thua thiệt kiến thức thực tế về nền tảng công nghệ.

Thế còn về mức lương của các kỹ sư vi mạch Việt Nam hiện nay, có phải mức lương cạnh tranh là một nhân tố thu hút của các doanh nghiệp?

Mức thu nhập của kỹ sư Việt Nam vẫn còn khá thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Dẫn chứng là mức lương trung bình của một sinh viên mới ra trường ở Việt Nam là khoảng 800 USD/tháng hay 10.000 USD/năm. Giả sử các công ty thiết kế chip sẽ tăng lương cho các bạn ấy với tỷ lệ 25%/năm (tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung) thì sau 5 năm lương cho kỹ sư Việt Nam mới ở khoảng 30.000 USD/năm - bằng với mức lương của một sinh viên mới ra trường ở Hàn Quốc hay Singapore. Nếu so về mức thu nhập phải trả cho một kỹ sư thì một kỹ sư mới ra trường ở nước ngoài bằng một kỹ sư có 5 năm kinh nghiệm ở Việt Nam.

Kết quả của thiết kế là chip chạy không có lỗi, không phải sản xuất nhiều lần và nói đến chip là nói tới sản xuất hàng loạt, bán ra với số lượng vô cùng lớn. Tôi lấy ví dụ, tôi sẵn sàng trả lương cho một kỹ sư thiết kế là 1.000.000 USD/năm vì thiết kế của kỹ sư đó tốt, bán được 10.000.000 sản phẩm thì chi phí thiết kế tính trên một sản phẩm cũng chỉ là 10 cent. Nếu con chip đó bán với giá 3$ thì chi phí thiết kế chỉ bằng 3%.

Chạy theo việc giảm chi thiết kế thì mức tiết kiệm được không đáng là bao. Nếu với thiết kế đó chip sản xuất ra không bán được sẽ lãng phí chi phí sản xuất cả triệu đô la mà không có cách gì lấy lại được.

Tóm lại, với khâu thiết kế chip thì yếu tố mức lương cạnh tranh chỉ là một nhân tố có thể góp phần thu hút các doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực mới là nhân tố quyết định.

Nhiều công ty cho biết đang gặp khó khăn trong tuyển dụng, được biết doanh nghiệp của ông đã chủ động được bài toán nguồn nhân lực, đâu là bí quyết, thưa ông?

Tôi còn nhớ cách đây 20 năm, khi chúng ta chưa có nền tảng gì đáng kể, các công ty vào Việt Nam sẽ chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường để đào tạo. Còn hiện nay chúng ta đã có đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư nên các công ty mới vào họ sẽ xác định tuyển các kỹ sư có kinh nghiệm từ thị trường trước.

Với các công ty nhiệt tình trong việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào đào tạo thì sau một thời gian họ nhận ra mình đào tạo rồi công ty khác lại tuyển dụng mất nên họ cũng dần thu hẹp lại quy mô tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm. Khi tình trạng hạn chế số lượng tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường hàng năm diễn ra trong một khoảng thời gian thì các công ty sẽ cạnh tranh nhau rất gay gắt về nguồn nhân lực.

Đây là đặc điểm phát triển rất tự nhiên của thị trường, và CoAsia SEMI Việt Nam cũng đang đối mặt với việc rất khó tuyển dụng được các kỹ sư có kinh nghiệm. Hay nói cách khác nguồn nhân lực kỹ sư có kinh nghiệm hiện tại không đủ đáp ứng về mặt số lượng đối với nhu cầu của công ty.

Để vượt qua thách thức đó, ngay từ đầu công ty đã chủ động trong việc đầu tư bản quyền phần mềm chuyên dụng sử dụng cho mục đích đào tạo. Công ty kết hợp với các trường tổ chức khóa học 3 - 6 tháng hoàn toàn miễn phí cho sinh viên yêu thích lĩnh vực thiết kế chip. Đến thời điểm hiện tại công ty đang tổ chức khóa học thứ 9 và đã đào tạo được gần 200 bạn. Đây là bí quyết mà công ty đã sử dụng để vượt qua thách thức trong việc cạnh tranh nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược phát triển của CoAsia tại Việt Nam?

Trong tất cả các công đoạn để làm ra một con chip từ ý tưởng, rồi trải qua thiết kế, chế tạo, đóng gói kiểm thử, đến khi bàn giao tận tay khách hàng một sản phẩm chip hoàn chỉnh thì CoAsia tham ra vào tất cả các công đoạn trừ công đoạn sản xuất. CoAsia không trực tiếp sở hữu sản phẩm chip mà là doanh nghiệp cung cấp giải pháp dịch vụ thiết kế, sản xuất, hoàn thiện và phân phối sản phẩm chip trọn gói cho khách hàng toàn cầu. Tại Việt Nam, CoAsia tập trung vào dịch vụ thiết kế chip đây là mảng mà nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế đóng vai trò rất quan trọng. Chiến lược phát triển của công ty tại Việt Nam là tiếp tục phát triển đội ngũ kỹ sư để Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng của tập đoàn về dịch vụ thiết kế chip. Ngoài ra, công ty cũng kỳ vọng thời gian tới, công ty sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội kinh doanh ở Việt Nam góp phần thúc đẩy hệ sinh thái thiết kế sản xuất chip ở Việt Nam thêm hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Kiều (thực hiện)

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin-chuyen-gia/phat-trien-nhan-luc-ban-dan-can-hanh-dong-mang-tinh-dot-pha-de-dat-muc-tieu-1102785.html