Phát triển nhanh, bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nằm giữa khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, có nhiều tiềm năng, thế mạnh nổi trội. Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định vùng này trở thành khu vực phát triển năng động, với tốc độ nhanh, bền vững.
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung được thành lập tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, vùng kinh tế này đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2019 tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011 - 2019, có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước, song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm).
Năm 2022, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 về tốc độ tăng trưởng và 17/63 về quy mô so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. So với các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Đà Nẵng xếp thứ 2/14 địa phương về tốc độ phát triển (sau Khánh Hòa) và xếp thứ ba về quy mô (sau Thanh Hóa, Nghệ An).
Cũng trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Nam đạt 8,08%; tổng thu ngân sách đạt hơn 34.100 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.907 USD/người. Đứng sau Đà Nẵng, Quảng Nam, tỉnh Bình Định trong năm 2022 có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,57%...
Vùng có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, hàng chục di tích lịch sử, văn hóa, nhiều bãi biển đẹp, 3 di sản văn hóa thế giới, một khu dự trữ sinh quyển; có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, một khu công nghệ cao và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế.
Vùng có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đặc biệt, vùng có hệ thống cảng biển khá dày, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới. Tuy nhiên, do nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy mạnh mẽ, đúng hướng, cho nên kinh tế vùng phát triển chưa nhanh, chưa thật sự bền vững, vai trò động lực còn mờ nhạt.
Hướng đi mới
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định hướng đi mới cho cả vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó có Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, là tập trung khơi dậy, đánh thức mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế về biển; đồng thời Nghị quyết cũng chỉ ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp triển khai cụ thể.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá mà Nghị quyết xác định nhằm phát huy thế mạnh từ biển là nhanh chóng đổi mới cơ cấu kinh tế. Đối với lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp, Nghị quyết yêu cầu phải tạo chuyển biến mạnh mẽ theo hướng hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Với nhiều lợi thế từ sân bay Chu Lai, cảng biển nước sâu Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam tích cực phát triển các ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu. Sau khi xây dựng thành công Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), hiện, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp, thu hút 225 dự án đầu tư.
Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100.405 tỷ đồng, tăng 17,31% so với năm 2021. Thế nhưng, so với tiềm năng thì kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam còn hạn chế, do hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng; một số ngành, lĩnh vực đầu tư chưa chọn lọc.
Tại Quảng Ngãi, Khu kinh tế Dung Quất đã phát huy thế mạnh của trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cùng với cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai, trở thành đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do những trở ngại lớn về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội; nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, chưa hình thành tuyến container tại cảng Dung Quất và vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng xác định Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ sớm trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước với các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng đang tiên phong trong lĩnh vực này, hiện là điểm sáng trên bản đồ du lịch của Việt Nam và quốc tế với những sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới. Việc cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên sâu, nghỉ dưỡng cao cấp, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất… đã tạo cho thành phố sức hấp dẫn. Năm 2022, doanh thu từ du lịch của Đà Nẵng đạt 20.809 tỷ đồng.
Đồng hành cùng Quảng Nam, Đà Nẵng; tỉnh Quảng Ngãi cũng đang phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch biển. Hiện, huyện đảo Lý Sơn là một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài việc phát huy mạnh mẽ hai thế mạnh mũi nhọn, các địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đang tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển. Nhiều địa phương đã có bứt phá, như Quảng Nam, Bình Định vươn lên đứng đầu khu vực về nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá xa bờ…