Phát triển nhiều mô hình kinh tế vùng ven biển
Những năm trở lại đây, các ngành chức năng và nông dân các xã ven biển ở các huyện Bình Sơn và Mộ Đức đã triển khai nhiều mô hình mới để mở hướng phát triển cho kinh tế. Thành công từ các mô hình đã giúp đời sống của nông dân được nâng lên.
Nhận thấy những hồ nuôi tôm của người dân ở thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) không phát huy tác dụng do ô nhiễm nguồn nước, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Bình Sơn đã triển khai mô hình kết hợp nuôi cá đối, cua và tôm trên diện tích hơn 2ha. Sau 3 tháng thực hiện, mô hình mang lại những thành công bước đầu.
Ông Nguyễn Trung Thành, nông dân tham gia mô hình cho biết: “Cá đối có đặc tính ăn mùn, bả hữu cơ nên góp phần làm giảm ô nhiễm đáy ao, chúng sẽ chuyển hóa các chất gây hại thành những chất không độc hại ra môi trường. Sau 3 tháng, tôi thu hoạch được hơn 750kg cua biển, trên 1.620kg tôm thẻ chân trắng và 270kg cá đối. Trừ các chi phí, gia đình tôi lãi hơn 125 triệu đồng”.
Người dân xã Bình Dương (Bình Sơn) thu hoạch cua từ mô hình nuôi kết hợp tôm, cua và cá đối.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thời gian qua, người dân ở các xã Đức Thắng, Đức Minh (Mộ Đức) đã lồng ghép nuôi thêm hải sâm với ốc hương. Nhờ đó, người dân đã thu lợi kép trong cùng một diện tích nuôi trồng.
Ông Lê Văn Đồng, một trong những hộ thực hiện mô hình này ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng cho hay: “Trong cùng một diện tích gần 1.500m2, tôi thả nuôi 3 triệu con ốc hương và hơn 1.500 con hải sâm. Đặc tính của hải sâm là ăn tảo và các chất thải, nên tôi khoanh lưới và nuôi chúng ngoài mé hồ. Tuy là mô hình mới được thực hiện, nhưng bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan, như ốc nhanh lớn, môi trường nước cũng không còn ô nhiễm như trước. Giờ nhiều hộ thực hiện mô hình này đã không lo thất thu”.
Theo Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng, tháng 10.2019, Trung tâm đã cấp 2.000 con vịt giống Đại Xuyên cho 4 hộ dân ở xã Đức Phong. Sau 70 ngày, vịt được xuất bán với giá từ 100 - 110 nghìn đồng/con, được thị trường rất ưa chuộng. Từ thành công đó, đầu tháng 8.2020, Trung tâm tiếp tục triển khai đến các hộ ở xã Đức Minh để người dân làm quen và tiếp cận mô hình mới. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang nghiên cứu và triển khai mô hình trồng măng tây hữu cơ trên diện rộng, từ mô hình thí điểm của nông dân Lê Mỹ Sương ở xã Đức Thắng, vì đây là mô hình hiệu quả, chống chịu được sâu bệnh.
“Để tạo hướng phát triển mới cho kinh tế các xã ven biển, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mới như: Nuôi vịt Đại xuyên, nuôi ốc hương kết hợp với hải sâm, nuôi dê bách thảo, nuôi trùn quế, kết hợp nuôi tôm, cua và cá đối trong cùng một diện tích... Phần lớn các mô hình đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ triển khai nhiều mô hình ở các địa phương", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cho biết.