Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước

Từ một tỉnh thuần nông, chuyên canh cây công nghiệp, Bình Phước đã đột phá, trở thành một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), giá trị sản xuất tăng 40-50 lần so với sản xuất truyền thống. Kết quả đó có được từ khi Tỉnh ủy Bình Phước có chuyên đề về chuyển đổi, phát triển SXNN giai đoạn 2017-2020 gắn với đột phá trong nông nghiệp UDCNC.

Hiệu quả chuỗi sản xuất UDCNC

Triển khai thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bình Phước, UBND tỉnh đã thành lập Ban quản lý Khu nông nghiệp UDCNC, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các mô hình sản xuất gắn với đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, thu hút đầu tư. Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban quản lý Khu Nông nghiệp UDCNC tỉnh Bình Phước cho biết: “Việc phát triển sản xuất UDCNC được triển khai theo tiêu chí đầu tư, áp dụng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán tại Bình Phước. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng các chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh, khép kín...”.

 Nông dân Bình Phước chăm sóc mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân Bình Phước chăm sóc mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ định hướng đúng và phát huy tiềm năng, lợi thế, Bình Phước đã đạt những kết quả nổi bật. Đến nay, tỉnh đã hình thành 7 khu nông nghiệp UDCNC có tổng diện tích 2.374ha với vốn đầu tư gần 4.878 tỷ đồng, chủ yếu là các mô hình: Trồng rau thủy canh, dưa lưới, cây ăn trái, nuôi lợn, gà thịt phục vụ xuất khẩu, trồng và chế biến hạt điều... Trong đó, khu Hải Vương ở huyện Hớn Quản có quy mô lớn nhất với diện tích 650ha, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình hợp tác đầu tư dự án “Xây dựng khu chăn nuôi bò thịt UDCNC và liên kết phát triển nuôi bò thịt dưới tán rừng Hùng Nhơn T-T 159 Bình Phước”. Đây là dự án nuôi bò thịt và thương mại sản phẩm thịt bò có chất lượng hàng đầu Việt Nam, có hiệu quả kinh tế vượt trội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Đề án hướng đến tạo sự liên kết với 10.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, hình thành vùng nuôi bò thịt dưới tán rừng quy mô nông hộ. Trong đó, khu chăn nuôi bò thịt UDCNC cung cấp toàn bộ giống, chuyển giao quy trình công nghệ và thu mua toàn bộ sản phẩm. Dự án tạo việc làm cho hơn 15.000 lao động.

Nhân rộng các mô hình, phát triển bền vững

Đưa công nghệ cao vào SXNN là lời giải bài toán làm giàu cho nông dân Bình Phước. Qua đánh giá, thống kê, giá trị SXNN công nghệ cao tăng 40-50 lần so với các mô hình SXNN truyền thống. Hiện nay, chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình khép kín, tỉnh Bình Phước có 92/301 trang trại, chiếm 30,5%, trong đó có 4 trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa và 32 trang trại bán tự động với quy mô chăn nuôi 16.000-400.000 gia súc, gia cầm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã phát triển được các mô hình trồng dưa lưới ở TP Đồng Xoài, hai huyện Hớn Quản, Phú Riềng. HTX Nông nghiệp Nguyên Khang Garden thực hiện liên kết sản xuất khoảng 45.000m2 dưa lưới và 17.000m2 trồng rau thủy canh tại TP Đồng Xoài và huyện Phú Riềng. Theo ông Hoàng Phú Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nguyên Khang Garden, mô hình trồng dưa lưới và trồng rau thủy canh lần đầu tiên được triển khai ở Bình Phước với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng đã khẳng định hiệu quả cao nhờ UDCNC trong sản xuất. So với mô hình sản xuất cũ, nhân lực thường cần vài trăm lao động, nhưng giờ đây, với quy mô sản xuất có UDCNC, HTX chỉ cần 23 thành viên. Sản phẩm thu hoạch cao gấp nhiều lần, đạt chuẩn cung cấp cho các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tổ 2, ấp Phú Thành (xã Thanh Phú, huyện Bình Long) chia sẻ: "Vườn dưa lưới của gia đình tôi được đầu tư UDCNC đã phát triển được diện tích 6.000m2, mỗi vụ thu hoạch lãi hơn 300 triệu đồng. UDCNC có mức đầu tư cao gấp nhiều lần so với SXNN truyền thống nhưng hiệu quả rất lớn, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, sâu bọ, giảm nhân công, sản phẩm làm ra an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường"...

Đồng chí Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, nông nghiệp UDCNC đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Bình Phước. Đạt được kết quả đó là nhờ UBND tỉnh Bình Phước ưu tiên, tạo điều kiện xây dựng, thành lập các doanh nghiệp có chức năng dẫn dắt, liên kết và làm đầu mối để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đạt chuẩn. Ngành nông nghiệp luôn đồng hành với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, kết nối với các đầu mối, viện nghiên cứu. Bình Phước đang tiếp tục triển khai đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung thúc đẩy UDCNC chuyên sâu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu...

Bài và ảnh: HUY VÕ - BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-binh-phuoc-632316