Phát triển nông nghiệp hiện đại từ ứng dụng công nghệ số
Xác định ứng dụng công nghệ số là 'chìa khóa' mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh thời gian qua đã giúp các đơn vị nông nghiệp, kinh doanh nông sản của Hà Nội chuyển biến tích cực.
Tăng tính bền vững và hiệu quả
Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã gặt hái được thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đại diện HTX, từ năm 2016, HTX đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Công nghệ số eGap giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Từ thành công này, rau của HTX đã vào được các kênh phân phối uy tín với giá bán rau ổn định hơn nhiều so với bán rau ở chợ thông thường.
Năm 2021, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục thí điểm hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Đến nay, HTX đã số hóa được 15 sản phẩm rau.
Hay như tại CTCP Rau an toàn Hải Anh (xóm Ba, xã Vân Nội, huyện Đông Anh), doanh nghiệp đã đứng ra thu mua và tiêu thụ cho những nông dân liên kết sản xuất với công ty, bằng cách đăng tải hình ảnh về nông sản, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, rao bán thông qua website, các trang mạng xã hội... để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và đặt hàng an toàn trong mùa dịch bệnh. Nhờ vậy, mỗi ngày doanh nghiệp đã tiêu thụ được khoảng 5-6 tạ rau, củ cho người nông dân.
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho biết, HTX đã đầu tư quy trình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín với diện tích 1,15ha và liên kết với các nhóm trồng rau trên địa bàn (100% sản phẩm rau đều được dán mã QR) để cung ứng ra thị trường gần 1 tấn rau, củ, quả mỗi ngày.
Các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất quan điểm, chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất. Không những thế, ứng dụng công nghệ số còn là “chìa khóa” mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại.
Vẫn còn rào cản
Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND TP Hà Nội) xác định đối với lĩnh vực nông nghiệp, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của ngành Nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời đặt mục tiêu: Mỗi nông dân được định hướng đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo về giá, thời vụ... nông sản; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.
“Trong giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội xác định ngành nông nghiệp phải phát triển toàn diện, bền vững, phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng so với các địa phương khác trong cả nước. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số”, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết.
Đến nay, mặc dù đã có nhiều mô hình áp dụng thành công chuyển đổi số nhưng thực tế vẫn còn chưa nhiều HTX, doanh nghiệp, trang trại… trên địa bàn thành phố cũng như cả nước thực hiện được chuyển đổi số trong sản xuất như các đơn vị nêu trên.
Nguyên do là các hộ sản xuất, HTX, trang trại trên địa bàn thành phố còn hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Bên cạnh đó, trong chăn nuôi, số lượng trang trại áp dụng công nghệ cao toàn phần ít, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý, điều hành.
“Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho nông dân, HTX, trang trại... được bán sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Tuy vậy, để thành công, cần hội tụ đủ yếu tố là sản xuất số, tiêu dùng số và sàn thương mại điện tử cho nông dân”, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cho hay.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Đứng trước những rào cản khó khăn và thách thức, ban lãnh đạo Thành phố đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Nhờ đó đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
“Tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố và tăng gấp đôi so với năm 2020”, ông Đại thông tin.
Cụ thể, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.
Trong Tọa đàm "Ứng dụng công nghệ số - Chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường chia sẻ, công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được TP Hà Nội quan tâm triển khai. Trong đó, tiêu biểu như về truy xuất nguồn gốc, thành phố đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR.
Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Thành phố cũng đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Voso, sendo…
Tại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Giám đốc Vũ Thị Hương cho biết, Trung tâm đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về nội dung này đối với nông dân, chủ trang trại, HTX. Mục đích nhằm đả thông tư tưởng, thay đổi tư duy cho bà con về ứng dụng công nghệ số không thể đơn lẻ từng hộ làm được mà bắt buộc phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, HTX để cùng nhau xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Được biết, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông sẽ đồng hành cùng với Phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã; thông qua các Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm Chăn nuôi - Thú y và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp phối hợp tổ chức những hội nghị, tọa đàm, tập huấn về ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp lần lượt tại các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội.