Phát triển nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường

Như chúng ta đã biết, nông nghiệp hữu cơ là hình thức nông nghiệp hạn chế sử dụng hoặc loại bỏ phần lớn thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng và các chất phụ gia không an toàn trong thức ăn gia súc.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ để

Nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ tối đa dựa vào vòng quay của mùa vụ, các phụ phẩm thừa sau thu hoạch, phân và chất thải của động vật và kết hợp canh tác cơ giới để duy trì và nâng cao chất lượng đất nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ dại, côn trùng và các loại sâu bệnh gây hại khác.

Có thể khẳng định rằng, nông nghiệp hữu cơ duy trì và cải thiện cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái trong nông nghiệp, tránh khai thác quá mức và gây ô nhiễm đến các nguồn lực tự nhiên, giảm tối đa việc sử dụng các nguồn lực và năng lượng không thể tái sinh, sản xuất lương thực đủ dinh dưỡng, không độc hại và chất lượng cao… Nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ cho đất lâu dài, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương… Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường ở nông thôn. Với tầm quan trọng đó, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng chuyển giao kỹ thuật sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt theo hướng sản xuất an toàn sinh học, bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái. Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu giống - mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững đã mang lại hiệu quả cao như: mô hình luân canh 2 lúa, 1 màu, mô hình luân canh 1 lúa, 1 màu lợi nhuận trên 20 triệu đồng/ha. Qua thực hiện cho thấy, việc chuyển đổi từ ruộng chuyên sản xuất lúa sang sản xuất lúa và màu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng nông thôn của tỉnh, góp phần tiết kiệm được nước tưới, thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, cải thiện đất canh tác và môi trường sinh thái nông nghiệp, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt là cơ bản thay đổi được tập quán sản xuất, nông dân biết dùng giống chất lượng cao, lượng giống gieo sạ từ 180 - 200 kg/ha, từng bước chuyển dần từ tập quán sử dụng phân bón vô cơ, lạm dụng thuốc hóa học sang phân bón hữu cơ, giảm thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đã xây dựng chương trình khuyến nông trồng trọt trên các loại cây công nghiệp khác, chú trọng mô hình thâm canh và cải tạo vườn điều năng suất cao, đưa giống mới năng suất cao thay thế dần các giống đã thoái hóa, hướng dẫn nông dân cải tạo, chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây trồng. Từ đó, nhiều vùng sản xuất tập trung được hình thành, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chú trọng chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn thực phẩm thông qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền vận động, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn trên đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung cho việc lai tạo nâng cao chất lượng giống trên đàn bò, kết hợp với việc mở rộng đồng cỏ để phục vụ thức ăn cho đàn gia súc. Hướng dẫn nông dân trồng và thâm canh cây cỏ, sử dụng các phụ phẩm như rơm, sinh khối từ những sản phẩm dư thừa của đồng ruộng, các loại phế phụ phẩm làm thức ăn trong chăn nuôi… Vấn đề hiện nay được rất nhiều người quan tâm đó là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất trong rau và thực phẩm từ chăn nuôi vẫn còn quá cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.

Để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, nền nông nghiệp hữu cơ là một hướng đi mới cho nền nông nghiệp của tỉnh, giúp người nông dân nâng cao chất lượng của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường ở nông thôn. Để làm được điều này, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, nhất là ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn hữu cơ hướng vào thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cải tiến, đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền công tác khuyến nông, đổi mới phương thức hoạt động khuyến nông có sự tham gia khuyến nông theo nhóm và khuyến nông cộng đồng. Gắn hoạt động đào tạo, tập huấn với xây dựng mô hình trình diễn để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả theo hướng an toàn sinh học, bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái vùng nông thôn.

THANH QUANG

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-de-bao-ve-moi-truong-121814.html