Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững
Xác định sản xuất nông nghiệp là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Thanh Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
MẠNH ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Nổi bật, huyện Thanh Bình đã tập trung tạo sự đột phá về tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào canh tác, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện các mô hình liên kết sản xuất tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình Mai Văn Đối cho biết, năm 2023, địa phương nỗ lực bám sát thực tiễn, vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển sản xuất kinh doanh, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung của huyện.
Cụ thể, công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai đồng bộ ngay từ đầu, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và rộng khắp. Qua đó, góp phần đáng kể nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát huy vai trò kinh tế tập thể trong chuỗi sản xuất. Huyện khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ nhân rộng mô hình tiềm năng phát triển sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã và tổ hợp tác tại vùng quy hoạch sản xuất, hình thành liên kết phục vụ chuỗi sản xuất.
Với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, khởi sắc, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, nhất là nhận thức của người dân nông thôn về xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Nhiều công trình ở nông thôn được quan tâm đầu tư và sự vào cuộc, tham gia đóng góp tiền, của, công sức của Nhân dân để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn.
Về lĩnh vực trồng trọt, nhìn chung, các chỉ tiêu tăng trưởng ổn định và ngày một phát triển theo chiều sâu, theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, góp phần thúc đẩy nhanh và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Trong năm 2023, diện tích lúa xuống giống trên 50 ngàn ha, đạt 98,79%, sản lượng đạt gần 340 tấn (vượt kế hoạch đề ra). Hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày xuống giống được trên 4.700ha, đạt 108% kế hoạch. Diện tích cây lâu năm trên 360ha, vượt 206% so kế hoạch, gồm các loại cây trồng như xoài, mít, cây có múi... Tổng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng.
Cùng với đó, huyện Thanh Bình tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Toàn huyện đã thành lập 14 hội quán với 618 thành viên; 19 hợp tác xã với 6.840 thành viên; 34 tổ hợp tác với trên 9.800 thành viên. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị trên địa bàn huyện liên kết tiêu thụ lúa, hoa màu khoảng 4.400ha.
TẬP TRUNG SẢN XUẤT THEO HƯỚNG AN TOÀN
Đáng ghi nhận thời gian qua, huyện Thanh Bình quan tâm xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại gắn với chế biến. Đồng thời thay đổi về phương thức tổ chức sản xuất, chú trọng áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, quy hoạch cụ thể các vùng nguyên liệu trọng điểm cho từng chủng loại cây trồng chủ lực của huyện. Điều này nhằm góp phần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản lượng, năng suất, hiệu quả thấp. Trong đó, địa phương quan tâm thực hiện các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả như: Dự án VnSAT; Dự án ICRSL; Dự án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp của Tổ chức Seed to Table; Dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”; mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất lúa áp dụng công nghệ 4.0 gắn liên kết tiêu thụ; mô hình sản xuất và tiêu thụ xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc, gắn liên kết tiêu thụ.
Nhờ quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Thanh Bình xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương và nông dân duy trì, nhân rộng. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình) hiện có hơn 1.030 thành viên, thực hiện phát triển sản xuất với các dịch vụ như: bơm tưới; làm đất; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động tín dụng nội bộ; nước sinh hoạt nông thôn; cung ứng giống cây trồng; phơi sấy và tồn trữ.
Thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình giữ vai trò tiên phong trong thực hiện đúng định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện và tỉnh. Trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị hướng đến lợi ích cho tất cả thành viên, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản... Từ đó, nâng cao năng suất và mang lại thu nhập bền vững cho thành viên. Ông Trần Thanh Long - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình, cho biết: “Bằng sự tâm huyết, tích cực của các thành viên nên các diện tích sản xuất của hợp tác xã đã đáp ứng được thị trường tiêu thụ Từ thành công ban đầu, hợp tác xã đã nghiên cứu mở rộng diện tích đa dạng hóa các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho các thành viên. Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục ứng dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tìm kiếm thêm nhiều doanh nghiệp liên kết tiêu thụ nhằm đa dạng đầu ra cho nông sản; mở rộng diện tích trồng các loại hoa màu khác như: ớt, bắp...
Ông Lê Đức Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện cánh đồng liên kết - tiêu thụ; củng cố và nâng cao vai trò hoạt động, đa dạng khâu dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp ở các hợp tác xã nông nghiệp, tổ chức triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đê bao và nạo vét các tuyến kênh mương bị bồi lắng, từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, lịch thời vụ cho từng vùng, từng địa bàn, chủ động phòng, chống hạn, chống lũ và phòng, chống sâu bệnh bảo vệ sản xuất”.
Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, hữu cơ ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất gắn mã số vùng trồng với liên kết - tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng hiệu quả việc thực hiện các dự án như dự án VnSAT dự án sinh kế mùa lũ, dự án sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững (SRP)... Đẩy mạnh quản lý điều hành sản xuất theo kế hoạch và lịch thời vụ, tiếp tục hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi.