Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở huyện Nga Sơn

Thời gian qua, huyện Nga Sơn tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, huyện có điều kiện huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nuôi tôm công nghiệp tại xã Nga Tân đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các cây trồng mới, cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nông nghiệp được huyện Nga Sơn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt hiệu quả kinh tế cao, như: sản xuất khoai tây, dưa hấu; rau an toàn, sản xuất trong nhà lưới và nhà kính theo hướng công nghệ cao... Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghệ cao được mở rộng và từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2–2022, toàn huyện xây dựng được 5 ha, nâng tổng diện tích trên địa bàn đến nay đạt 19,5 ha; tích tụ, tập trung đất đai được 120,5 ha, nâng tổng diện tích lên 454,8 ha; xây dựng 6 ha vùng rau an toàn tập trung chuyên canh tại 2 xã Nga Thành và Nga Yên, nâng tổng số diện tích vùng rau an toàn chuyên canh toàn huyện lên 29 ha. Diện tích sản xuất cói hàng năm trên địa bàn đạt khoảng 1.555 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 162,5 triệu đồng/ha/năm. Huyện tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ dân phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, giảm chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư; đồng thời, khuyến khích chăn nuôi theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với người dân để nâng cao giá trị kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững. Đi đôi với đó, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo tốt công tác phòng, chống dịch; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm yêu cầu và đạt kế hoạch đề ra. Huyện đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển thủy sản và diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay đạt 1.647 ha, trong đó, diện tích nuôi ngao nước mặn 370 ha, nuôi cá nước ngọt 877 ha, nuôi nước lợ 400 ha. Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng được thực hiện tốt, không để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng. Đi đôi với phát triển nông nghiệp, huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã triển khai thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao; các xã Nga Thành, Nga Thạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao; các thôn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, nâng số sản phẩm toàn huyện lên 19, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao.

Đồng chí Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và nhu cầu thị trường. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trọng tâm là tiếp tục mở rộng diện tích nhà lưới sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác với nông dân. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Đi đôi với đó, huyện tiếp tục phát triển ổn định chăn nuôi trang trại công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, giảm chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư, khuyến khích sản xuất chăn nuôi theo hợp đồng để nâng cao giá trị kinh tế và phát triển bền vững. Tiếp tục huy động các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng thủy sản công nghiệp, công nghệ cao. Chỉ đạo, quản lý khai thác có hiệu quả vùng mặt nước ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, bảo vệ rừng chắn sóng hiện có, tạo môi trường sinh thái bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản... Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế. Phát huy dân chủ trong Nhân dân để tổ chức thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, bảo đảm phù hợp với sức dân.

Đi đôi với đó, huyện Nga Sơn tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch COVID-19, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức ký cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện phải đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; đồng thời, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-ben-vung-o-huyen-nga-son/155633.htm