Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển thương hiệu các sản phẩm nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, là một trong 4 khâu đột phá được Đảng bộ huyện Mộc Châu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện mục tiêu này, ngày 15/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mộc Châu đã ban hành Đề án số 01 về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có gần 10.300 ha cây ăn quả các loại, hơn 2.800 ha rau màu, gần 2.100 ha chè... Để Đề án số 01 đi vào thực tế, huyện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ năm 2021 đến nay, Mộc Châu đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn về sản xuất hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho hơn 3.000 lượt người tham gia.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm. Huyện đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống cây trồng, tạo nhiều loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, như: Rau cải xoăn Kale, măng tây xanh; nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, cam cara ruột đỏ, chanh leo vàng... Cùng với đó, Mộc Châu còn ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp... tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp của Mộc Châu thể hiện bằng những con số ấn tượng, như: Toàn huyện hiện có 211 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm nước cho 426 ha cây trồng; hơn 23 ha cây trồng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm bằng công nghệ IOT, thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; 29 cơ sở đầu tư nhà lưới, nhà kính với diện tích trên 42 ha, đã giúp tránh được nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt rất phù hợp cho việc phát triển sản xuất rau, hoa trái vụ. 33 cơ sở áp dụng việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 490 ha. Toàn huyện hiện có 27 mã số vùng trồng với diện tích hơn 720 ha, chủ yếu là nhãn, xoài, mận hậu, bơ, chuối, tạo ra các sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu; 22 cơ sở đầu tư trang thiết bị công nghệ cao trong sơ chế và chế biến; 19 cơ sở đầu tư kho lạnh để bảo quản nông sản với diện tích trên 2.600 m²; duy trì và phát triển 50 chuỗi cung ứng nông sản an toàn... Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp đạt gần 70 triệu đồng, tăng hơn 9 triệu đồng so với năm 2020.

Xã Mường Sang có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với trên 150 ha chuyên canh rau xanh, trong đó trên 70% diện tích được lắp đặt hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, giúp cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Ông Hoàng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khai thác lợi thế diện tích đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, xã quy hoạch diện tích đất ở các bản An Thái, Là Ngà 2, Nà Bó 2, Bãi Sậy... để cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Hiện, xã có 3 HTX và tổ hợp tác trồng rau, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho 230 lao động.

UBND huyện đã tổ chức khảo sát được 4 vùng có đủ điều kiện để tổ chức xây dựng thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Hiện, đang đề nghị công nhận vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao.

Đối với phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, Mộc Châu đã thực hiện khảo sát và định hướng 8 điểm tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ và từng bước để sản xuất hữu cơ trên địa bàn. Toàn huyện hiện có 1 đơn vị là HTX rau an toàn Tự nhiên, xã Đông Sang được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm rau hữu cơ, với quy mô 5 ha rau các loại. Hướng dẫn HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ và được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi năm thứ nhất. Đã có 175 tổ chức, cá nhân sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất là 1.059 ha, trong đó: cây rau gần 112 ha, cây ăn quả hơn 607 ha, cây chè 340 ha; có 2.926 cơ sở sử dụng phân bón hữu cơ với tổng lượng phân bón đã sử dụng là 31.454 tấn.

Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện, đánh giá: Việc thực hiện Đề án đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đem lại giá trị cao, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập, năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ còn giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Những kết quả trên cho thấy, Mộc Châu đã và đang đi đúng hướng, các cơ sở sản xuất và người dân đã năng động, sáng tạo trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, hiệu quả kinh tế cao, từng bước xây dựng Mộc Châu trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-54772