Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ việc phát triển các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu, đa dạng sản phẩm xuất khẩu...

Sử dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc vườn chuối cấy mô ở huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Trung Phước

Sử dụng thiết bị bay không người lái trong chăm sóc vườn chuối cấy mô ở huyện Thống Nhất. Ảnh: Nguyễn Trung Phước

Trong Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai sẽ có 300 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lớn để trồng lúa, rau, cây công nghiệp, cây ăn quả. Ngoài ra, tỉnh quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ; vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại

Nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái... Trong đó, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản phải chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp...

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng cao, giữ được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 48,9 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3,6% so với năm ngoái, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của từng vùng trên cơ sở kế thừa từ các điểm dân cư hiện hữu, cải tạo chỉnh trang hạ tầng nông thôn kết hợp với xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa thành thị với nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Định hướng này cũng được chính nông dân và doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quan tâm triển khai vào thực tế. Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, những năm qua, Đồng Nai đã triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo đó, ngành chăn nuôi đã chuyển dần sang quy mô công nghiệp, kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhận xét, ngành chăn nuôi thải ra nhiều khí carbon và phụ phẩm nông nghiệp. Những năm qua, một số tập đoàn, DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp chăn nuôi an toàn với môi trường và giảm phát thải như: giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi; sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng khí sinh học, thu gom chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ…

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với cơ sở chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực xuất khẩu...

Nông dân ngày càng có nhận thức cao về sản xuất an toàn, diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Nhiều vùng chuyên canh, vùng sản xuất các cây trồng chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Nối tiếp những thành quả

Là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển. Những nội dung định hướng phát triển ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục kế thừa, phát huy.

Trước đó, tỉnh đã có Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và DN có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp. Các mục tiêu cụ thể là ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh; trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản.

Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ.

Nhờ đó, tỉnh thu hút được nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 2,1 ngàn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực như: sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng, thời gian qua, tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Tỉnh đang triển khai 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản, ưu tiên thu hút các DN đầu tư chế biến sâu, chế biến tinh nông sản; nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản.

Bình Nguyên

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản:

Thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản thế mạnh

Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút vào lĩnh vực đầu tư chế biến nông sản như: có khu công nghiệp phát triển, gần các cửa sông lớn, cảng biển.

Những tỉnh, thành phố lân cận có cùng lợi thế như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, Đồng Nai vẫn có những vùng chuyên canh nông nghiệp với diện tích lớn, nhất là với những cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế xuất khẩu, là mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư chế biến.

Đồng Nai cần đặt ra những mục tiêu, mục đích cụ thể trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư từ trong tỉnh, ở cấp quốc gia và quốc tế vào chế biến sâu các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, GS-TS Nguyễn Hồng Sơn:

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nông sản thế mạnh

Nhà nước có quy hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi nhưng bao lâu nay, nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác làm hiệu quả là đầu tư, rất ít suy nghĩ đến việc trồng xong bán đi đâu. Để khắc phục điểm yếu sản xuất chưa căn cứ trên nhu cầu thị trường, nông dân phải nghĩ đến việc tham gia chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Về góc độ địa phương, Đồng Nai cần định hướng quy hoạch và nông dân nên tôn trọng quy hoạch được tính toán trên cơ sở khoa học. Hiện nhiều tỉnh, thành lân cận Đồng Nai đang phát triển rất mạnh diện tích cây ăn trái; nếu cứ phát triển một cách tự phát quá nhanh diện tích những cây trồng không có lợi thế, Đồng Nai sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn với các tỉnh, thành và khu vực xung quanh. Tỉnh cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản chủ lực gắn với xây dựng các chuỗi liên kết nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực này phát triển toàn diện; hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/phat-trien-nong-nghiep-xanh-ben-vung-55008b3/