Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa theo hướng bền vững
Tận dụng tiềm năng, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình phát triển hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện, giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện sinh kế, thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến việc phát triển thủy sản hồ chứa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Tận dụng tiềm năng, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình phát triển hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện, giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện sinh kế, thu nhập. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến việc phát triển thủy sản hồ chứa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Theo Sở NN&PTNT, trong tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Đặc biệt, có hồ thủy điện Hòa Bình với diện tích trên 8.800 ha, thuộc địa bàn các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Đây là tiềm năng để tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Mới đây nhất, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 966/QĐ-UBND, ngày 5/6/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển thủy sản hồ chứa thủy điện Hòa Bình gắn với du lịch đến năm 2030. Nhờ đó, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa phát triển nhanh. Năm 2014, toàn tỉnh có 1.700 lồng cá, sau 10 năm, con số này tăng lên gần 5.000 lồng. Tính riêng 9 tháng năm nay, sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 10.800 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 8.550 tấn.
Hiện, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống bè nuôi tiên tiến. Điển hình như Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng. Không chỉ nuôi trồng với quy mô lớn, công ty còn chế biến sản phẩm ruốc cá trắm đen, lăng vàng, lăng đen sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, HACCP là quy trình khép kín, kiểm soát chặt chẽ các khâu từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm hoàn chỉnh. Sản phẩm ruốc cá của công ty hiện đạt chứng nhận OCOP 4 sao…
Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình” và "Tôm sông Đà - Hòa Bình”. Đây là điều kiện để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nghề nuôi trồng thủy sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn. Điển hình như kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, nhất là vùng hồ thủy điện Hòa Bình chưa có cảng cá, bến cá riêng cho hoạt động thủy sản. Hiện nay cũng chưa có điểm neo đậu lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; chưa có hệ thống điện riêng phục vụ cho hoạt động sản xuất thủy sản mà dùng chung với điện sinh hoạt của người dân vùng ven hồ. Bên cạnh đó, việc áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn nuôi an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, ASC...) chưa phổ biến. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được quy trình nuôi năng suất cao, an toàn dịch bệnh cũng như mô hình liên kết chuỗi sản xuất hiệu quả bền vững...
Đặc biệt, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cũng chỉ ra, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương về thủy sản còn thiếu chặt chẽ nên hiện nay, một số hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè, nuôi trồng thủy sản lồng bè kết hợp với du lịch, dịch vụ... tuy nhiên, chủ yếu theo hướng tự phát, không theo quy hoạch, không có giao, thuê mặt nước; không có đăng ký lồng bè, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực. Tình trạng này diễn ra chủ yếu tại hồ thủy điện Hòa Bình. Nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ cao về dịch bệnh, về ô nhiễm môi trường do chất thải của thủy sản nuôi với mật độ cao thải ra môi trường bên ngoài và rác thải, chất thải từ các hoạt động dịch vụ trên các lồng bè, nhà bè... Việc giải quyết những hạn chế, khó khăn này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa theo hướng bền vững.