Phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” đăng trên báo Cứu quốc, trong đó, Người nhấn mạnh: "Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục…”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình không ngừng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tập luyện thể dục - thể thao (TDTT); quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, góp phần đưa phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển.
Tại các địa phương, cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Là xã vùng trung tâm của huyện Lương Sơn, từ nhiều năm nay, người dân xã Tân Vinh tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nhờ vậy, số lượng người dân tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao của xã không ngừng tăng qua các năm. Hiện nay, 100% xóm có sân tập luyện TDTT, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện hàng ngày của người dân. Tại sân nhà văn hóa 6/6 xóm được huyện triển khai lắp đặt bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời, đa dạng về chức năng, phù hợp với từng đối tượng. Vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, tại các sân tập luôn đông vui, rộn ràng tiếng cười nói, reo hò.
Bà Hoàng Thị Sử, xóm Đồng Chúi, xã Tân Vinh chia sẻ: "Trước đây, nếu muốn rèn luyện sức khỏe, tôi chỉ đi bộ hoặc đạp xe. Từ khi sân tập luyện của xóm được quan tâm đầu tư nâng cấp và lắp đặt trang thiết bị tập luyện ngoài trời, chúng tôi có thêm nhiều sự lựa chọn để tập luyện đều đặn hơn. Ra sân tập, mọi người vui vẻ trò chuyện, giao lưu hoặc cổ vũ cho các đội chơi bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, giúp tinh thần thêm thoải mái, lạc quan”.
Mặc dù đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng, song ở nhiều xóm, xã, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT còn những hạn chế. Trước đó, để chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hòa Bình lần thứ VII, năm 2022, toàn tỉnh có 36 sân bãi, công trình TDTT chưa đảm bảo yêu cầu được cải tạo, sửa chữa, xây mới. Không ngừng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe, đồng thời phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT.
Theo rà soát của Sở VH-TT&DL, hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có trên 2.800 công trình thể thao sử dụng cho các hoạt động TDTT. Trong đó có 92 nhà tập luyện và nhà thi đấu thể thao; 53 bể bơi; 2.714 sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời (riêng sân bóng chuyền có 1.456 sân). Với một số công trình TDTT cấp tỉnh, năm vừa qua, Sân vận động tỉnh được đầu tư 13,3 tỷ đồng (năm 2023 cấp 6,3 tỷ đồng) để lắp dựng 4 cột đèn pha chiếu sáng, cao 30m, lắp đèn led pha công suất 1.280W cho mỗi đèn; xây dựng 1 trạm biến áp 320kVA-22/0,4kV cấp điện cho hệ thống chiếu sáng và các phụ tải khác để phục vụ giải thể thao quốc gia, sự kiện của tỉnh. Bể bơi tỉnh được nâng cấp, sửa chữa từ nguồn ngân sách tỉnh đầu tư 7,2 tỷ đồng (năm 2023 cấp 3,6 tỷ đồng) để cải tạo, sửa chữa một số công trình phụ trợ, phục vụ các giải bơi của địa phương và nhu cầu bơi của nhân dân.
Theo đồng chí Đào Tiến Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: "Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tập trung xây dựng và phát triển rộng khắp phong trào TDTT quần chúng. Trong đó, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở VH-TT&DL lồng ghép chỉ đạo 10 huyện, thành phố quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất. Khi hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản hoàn chỉnh, phong trào tập luyện TDTT tại thôn, xóm, địa phương sẽ lan tỏa rộng rãi. Từ đó góp phần tăng cường sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”.