Phát triển phong trào văn nghệ ở đất chèo Nam Thái
Là một trong 8 xã của huyện Nam Trực hoàn thành các tiêu chí
Là một trong 8 xã của huyện Nam Trực hoàn thành các tiêu chí “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao” năm 2020, thời gian qua, Ðảng ủy, UBND xã Nam Thái luôn quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Ðồng chí Ðỗ Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết: Ðể phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đội, CLB văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả như: Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp 19/20 NVH thôn; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm lịch sử của quê hương, đất nước. Xã có 1 CLB chèo và 20 đội văn nghệ, dân vũ ở các thôn; biểu diễn đa dạng các môn như: hát chèo, hát văn, ca trù, múa dân gian... CLB chèo Nam Thái tiền thân là đội chèo của xã có từ những năm 1965-1966. Sau thời gian gián đoạn, năm 1990, CLB chèo Nam Thái được tái lập với hơn 30 người, nòng cốt là các thành viên đội chèo thôn Lạc Thiện và hạt nhân văn nghệ ở các thôn có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: Trung Nghĩa, Khánh Thượng, Khánh Hạ. Bà Nguyễn Thị Hồng The, Chủ nhiệm CLB chèo Nam Thái cho biết: Các thành viên trong CLB chủ yếu là những người nông dân từ 40-65 tuổi, có năng khiếu và đam mê ca hát. Do tập hợp được những người có duyên với âm nhạc truyền thống, ngoài hát chèo, CLB còn luyện tập các bài hát văn, các ca khúc cách mạng, sáng tác thơ. Không chỉ diễn các trích đoạn, vở chèo cổ, nhiều vở diễn chất lượng được các thành viên trong CLB dàn dựng như các vở: “Ngôi nhà ven sông”, “Tình quân dân”, “Việc họ”, “Chuyện gia đình nhà hiếm”… được khán giả đánh giá cao trong các chương trình văn nghệ tại các lễ hội Ðền Tiền Vinh, lễ giỗ tổ Từ đường họ Phạm, lễ hội Ðền - Chùa Khánh Thượng, lễ hội Ðền - Chùa Vinh Thọ, lễ Phật đản, lễ Vu lan Chùa Hà Liễu, Chùa Trại Hạ, Chùa Xuân Dương. CLB chèo Nam Thái còn đóng góp nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong các dịp mừng Ðảng - mừng Xuân, lễ mừng thọ, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… Ðến xem CLB tập luyện mới thấy hết sự say mê nghệ thuật của các thành viên. Ðược nghe những làn điệu chèo “mộc” nhưng uyển chuyển, chân tình và tha thiết của các thành viên trong CLB, chúng tôi cảm nhận được CLB thực sự là nhịp cầu nối niềm đam mê âm nhạc của người dân sau những ngày làm việc vất vả. Ðội chèo thôn Lạc Thiện được thành lập năm 2003 do bà Nguyễn Thị Hồng The làm đội trưởng. Sự phát triển của đội chèo thôn Lạc Thiện có sự đóng góp tích cực của các thành viên giàu kinh nghiệm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin” như các nhạc công: ông Nguyễn Thanh Tùng (sáo), ông Nguyễn Văn Nhương (đàn nguyệt), ông Nguyễn Văn Huyên (đàn bầu) và các giọng ca chính: bà Nguyễn Thị Hồng The, bà Ðỗ Thị Kim Liên. Ngoài ra còn phải kể đến những giọng ca như: bà Trần Thị Hường, anh Nguyễn Duy Quyền. Từ khi thành lập, phát triển, đội chèo thôn Lạc Thiện đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật chèo, hát văn, ca trù truyền thống của quê hương. Mặt khác, các thành viên trong đội đều là những người sáng tác các tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo với các tiết mục văn nghệ “tự biên, tự diễn”; trong đó, bà The là người có khả năng sáng tác các bài hát chèo, hát văn, viết kịch bản, dàn dựng các chương trình biểu diễn về các chủ đề phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương như: hoạt cảnh chèo “Em xinh, em thực hiện KHHGД tuyên truyền công tác dân số - KHHGÐ; trích đoạn chèo “Lịch sử truyền thống Hội Phụ nữ với đất nước”; hát văn “Vẻ vang truyền thống quê hương” tuyên truyền về xây dựng NTM… Là địa phương có 30% đồng bào theo đạo Thiên chúa, tại 2 giáo xứ: Ngoại Ðông, Thạch Bi và 7 giáo họ: Ngoại Ðê, Phú Hào, Khánh Hạ, Trung Nghĩa, Phú Thụ, Phú Thọ, Thạch Bi các đội nhạc kèn ở Nam Thái cũng hoạt động sôi nổi. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động của 2 đội kèn đồng nam và nữ giáo họ Khánh Hạ; mỗi đội có từ 25-30 người. Ngoài phục vụ các nghi lễ trong nhà thờ, các đội kèn còn thường xuyên biểu diễn trong các ngày lễ, tết ở địa phương.
Anh Ðỗ Văn Khảm, công chức văn hóa - xã hội xã Nam Thái cho biết: Phong trào văn nghệ quần chúng ở Nam Thái có sức sống lâu bền không chỉ xuất phát từ những người có nhiều tâm huyết mà còn có sự đóng góp của những người làm công tác văn hóa xã, hội trưởng, chi hội trưởng các hội, chi hội: Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Chi Ðoàn Thanh niên… xây dựng các chương trình biểu diễn chuyên đề tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống ma túy - HIV/AIDS, Năm an toàn giao thông… Nhờ chú trọng đầu tư đảm bảo chất lượng nội dung các chương trình biểu diễn nên các đội, CLB văn nghệ ở Nam Thái được bà con tín nhiệm, thường xuyên mời phục vụ nhiều sự kiện khai trương cửa hàng, khánh thành từ đường dòng họ tại các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Nghĩa Hưng… Thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã huy động được sự đóng góp tích cực từ các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tạo nguồn thu cho CLB. Ðể động viên, khích lệ phong trào văn nghệ quần chúng, hàng năm, Ban văn hóa xã lập kế hoạch, chủ trì tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Ngày thành lập Ðảng (3-2), Ngày thành lập Ðoàn (26-3), thu hút các CLB, đội văn nghệ thôn tham gia biểu diễn; từ đó, tuyển chọn các tiết mục đặc sắc tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện vào trung tuần tháng 11 trong Tuần lễ văn hóa - giáo dục, Liên hoan tiếng hát khu dân cư - NTM…
Với cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ, phong trào văn hóa, văn nghệ ở Nam Thái ngày càng phát triển mạnh mẽ sâu rộng, là nền tảng vững chắc để xã Nam Thái trở thành “điểm sáng” trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM nâng cao, bền vững./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng