Phát triển quảng cáo thành ngành công nghiệp văn hóa

Thời gian qua, với sự vào cuộc sát sao trong quản lý của các sở, ngành, địa phương, hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội dần đi vào nền nếp, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, để khai thác, phát triển quảng cáo thành ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi cần có chiến lược, giải pháp mạnh mẽ hơn.

Bài 1: Quản lý quảng cáo gắn với quy hoạch

Năm 2018, Hà Nội ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Đến tháng 3/2024, Hà Nội tiếp tục ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy hoạch quảng cáo cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bởi vậy, việc quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP có nhiều kết quả tích cực.

Mỹ quan đô thị được nâng cao

Theo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP, hoạt động quảng cáo phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung toàn TP và các khu vực đặc thù như khu phố cổ, khu phố cũ... đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó phải phù hợp, đồng bộ với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch liên quan, thống nhất về mật độ, kích thước các bảng quảng cáo; tạo bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, hiện đại…

Có thể nói, quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý có hiệu quả và đồng bộ các hoạt động quảng cáo thương mại, tuyên truyền chính trị bằng bảng ngoài trời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Khảo sát tại một số quận, huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Đan Phượng… cho thấy, các địa phương đã vào cuộc khá tích cực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo cũng như quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Các loại hình quảng cáo rao vặt gây phản cảm, mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị đã giảm đáng kể.

Đống Đa là quận có mật độ dân số cao, trên địa bàn quận hiện có 80 tuyến phố với nhiều khu vực kinh doanh sầm uất như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà, Chùa Bộc; nhiều giao lộ có không gian lớn như khu vực ngã bảy Ô Chợ Dừa, ngã tư Sở, ngã tư Vọng, ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn...

Địa bàn quận là nơi đặt trụ sở hoạt động, kinh doanh của trên 5.000 cơ quan, đơn vị, DN, trên 12.000 hộ kinh doanh tập trung với mật độ cao các hoạt động quảng cáo, biển hiệu, quảng cáo rao vặt.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Đặng Thị Mai cho biết, trên địa bàn quận có 4 biển quảng cáo tấm lớn, 1 bảng tuyên truyền của quận, 347 cột với 630 giá treo băng rôn trên 15 tuyến phố trên địa bàn quận theo quy hoạch của TP. Đồng thời, quận bố trí 24 bảng quảng cáo rao vặt miễn phí lắp dựng trên địa bàn các phường. Các bảng này hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu quảng cáo rao vặt của các tổ chức, Nhân dân.

Còn tại Quận Hai Bà Trưng, hiện có bảng quảng cáo tại 132 công trình, nhà ở; 2 bảng quảng cáo trong khuôn viên tổ chức, DN; 650 giá treo băng rôn tại các tuyến phố. Quận cũng có 10 màn hình Led, 18 bảng quảng cáo rao vặt miễn phí tại các địa bàn dân cư.

Quận đã cấp 8 giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại hai vị trí lắp dựng bảng quảng cáo tấm lớn: 419 Minh Khai, 47A Vĩnh Tuy (đã tháo dỡ do công tác giải phóng mặt bằng) và 6 màn hình chuyên quảng cáo (màn hình Led) tại: Trung tâm thương mại Vincom Times City, Vincom Bà Triệu, chợ Hôm Đức Viên, Bệnh viện Phổi T.Ư, tòa nhà Sungrand (số 3 Lương Yên), 110 Bà Triệu.

Biển hiệu quảng cáo vượt kích cỡ cho phép, che kín mặt tiền ngôi nhà tại ngã 6 Ô Chợ Dừa. ảnh chụp ngày 4/7/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Biển hiệu quảng cáo vượt kích cỡ cho phép, che kín mặt tiền ngôi nhà tại ngã 6 Ô Chợ Dừa. ảnh chụp ngày 4/7/2024. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, Quận Hai Bà Trưng cũng quy hoạch, lắp đặt 20 bảng tin quảng cáo rao vặt miễn phí nơi công cộng trên địa bàn 18 phường tại các vị trí thuận tiện, dễ quan sát, góp phần giảm thiểu và hạn chế tình trạng quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định gây mất mỹ quan đô thị.

Trong thời gian qua, hoạt động quảng cáo trên địa bàn huyện Đan Phượng đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đưa vào nền nếp. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, trên địa bàn huyện không có biển quảng cáo tấm lớn, bảng quảng cáo độc lập, màn hình Led. Hoạt động quảng cáo chủ yếu là băng rôn, quảng cáo rao vặt, bảng quảng cáo nhỏ, tập trung ở một số xã, thị trấn như: thị trấn Phùng, xã Tân Lập, xã Tân Hội.

Việc lắp đặt biển hiệu trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện đúng quy định về diện tích, kích thước; các biển hiệu chủ yếu là của cơ quan, đơn vị Nhà nước, hộ kinh doanh tạp hóa, kinh doanh nhỏ. Không có biển hiệu che kín toàn bộ mặt tiền nhà; không có biển quảng cáo trên các tòa nhà cao tầng.

Bên cạnh đó, huyện phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa UBND các xã, thị trấn với các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phong trào vệ sinh môi trường vào sáng thứ Bảy hàng tuần.

“UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn và triển khai đến khu vực dân cư thực hiện tổng vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định trên cây xanh, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường... nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo quần chúng Nhân dân, góp phần xây dựng cảnh quan đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp” - bà Đào Thị Hồng chia sẻ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo cho những tổ chức, cá nhân có liên quan, thời gian qua, các ngành, địa phương cũng tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về quảng cáo, biển hiệu kết hợp quản lý trật tự văn minh đô thị.

Như tại huyện Đan Phượng, ngoài kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch, huyện còn tổ chức các đợt cao điểm theo chỉ đạo của UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội. Kết quả cho thấy, từ năm 2018 đến nay, huyện đã ra quân xử lý, tháo dỡ 256 biển, bảng; 1.384 băng rôn, tờ quảng cáo rao vặt sai quy định, đưa các hoạt động quảng cáo, quảng cáo rao vặt trên địa bàn dần đi vào nền nếp.

Qua quá trình quản lý, các loại hình quảng cáo rao vặt gây phản cảm, mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị (hỗ trợ tài chính, cho vay nặng lãi) đã giảm đáng kể do có sự tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong việc tập trung kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý mạnh đối với những hành vi vi phạm này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng

Tại quận Đống Đa, từ năm 2018 đến nay, UBND quận, các phường phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc TP kiểm tra, xử lý, tháo dỡ nội dung hơn 460 bảng quảng cáo sai phạm; tháo dỡ trên 14.000 băng rôn, phướn treo trên gốc cây, cột điện, cửa hàng kinh doanh; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính hơn 30 DN lắp dụng bảng quảng cáo sai phạm với tổng số tiền phạt trên 150 triệu đồng...

Từ năm 2018 đến nay, UBND Quận Hai Bà Trưng đã tổ chức 4 lớp tập huấn công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, quảng cáo cho lãnh đạo UBND, thành viên đoàn kiểm tra liên ngành quận; đại diện các phòng, ban, ngành; thành viên tổ kiểm tra liên ngành 18 phường.

Đáng chú ý, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh, từ năm 2018 đến nay, đã có gần 200 bảng quảng cáo ngoài trời lắp dựng tại mặt tiền, mặt bên tòa nhà được các đơn vị quảng cáo tự tháo dỡ do sai kích thước, nội dung, hết thời hạn thông báo sản phẩm… UBND quận cũng đã xử lý, tháo dỡ 31 khung bảng quảng cáo sai quy định, hoen gỉ làm mất mỹ quan đô thị; mỗi năm tháo dỡ từ 500 - 1.000 banner, băng rôn treo trên gốc cây, cột điện; bóc, xóa xé hơn 5.000 quảng cáo rao vặt; xử lý từ 300 - 400 biển hiệu quảng cáo sai quy định.

Đặc biệt, UBND quận đã lập biên bản, yêu cầu dừng phát hình đối với 3 đơn vị lắp dựng màn hình Led không phép; ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo với tổng số tiền là 50 triệu đồng...

Từ năm 2018 đến quý I/2024, Sở VH&TT Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo với tổng số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Để công tác quản lý lĩnh vực này hiệu quả hơn, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội vừa tiến hành hoạt động giám sát chuyên đề tại các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện quy định của pháp luật về quảng cáo trên địa bàn Hà Nội từ năm 2018 đến nay. Qua giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao công tác quản lý hoạt động quảng cáo của các quận, huyện, được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh được nâng lên rõ rệt.

Dù ghi nhận kết quả tích cực, song Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình đề nghị các quận, huyện tiếp tục triển khai các văn bản, quy định, quy chế mới của TP về hoạt động quảng cáo; tham mưu ban hành quy chế phối hợp công tác này để quản lý hiệu quả; đồng thời rà soát toàn bộ lĩnh vực quảng cáo trên địa bàn, bảo đảm quản lý vừa nâng cao chất lượng phục vụ, vừa đóng góp mỹ quan đô thị cho Thủ đô.

Trong thời gian vừa qua, quận Hà Đông đã tổ chức 206 lượt buổi kiểm tra và xử lý các vi phạm về biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm; buộc tháo dỡ trên 500 biển hiệu, biển vẫy vi phạm cũ nát; bóc, xóa hơn 2.400 tờ quảng cáo rao vặt và tháo dỡ 120 băng rôn, banner treo trên các gốc cây, cột điện…. UBND quận cũng đã ban hành 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động quảng cáo với số tiền 40 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến

(Còn nữa)

Minh An - Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-quang-cao-thanh-nganh-cong-nghiep-van-hoa.html