Phát triển quỹ đầu tư tại Việt Nam vẫn khó

Quỹ đầu tư được xác định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế nhưng do thiếu cơ chế phù hợp, các tổ chức tài chính này tại Việt Nam còn rất nhỏ.

Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước là nội dung đang được các chuyên gia bàn thảo gần đây nhằm phục vụ cho Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa XII.

Trong đó, các chuyên gia chỉ ra một số nguồn lực tài chính có tác động lớn trong nền kinh tế như: Đầu tư công, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và các quỹ đầu tư. Riêng các quỹ đầu tư được xác định có vai trò lớn trong việc huy động các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành các quỹ đầu tư này tại Việt Nam còn tương đối khó khăn. Lấy ví dụ lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital - cho hay, mức độ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất thấp so với khu vực. Trong vòng hai năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này thậm chí chậm lại.

Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital

Bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital

Muốn phát triển lĩnh vực bảo hiểm như một kênh đầu tư gián tiếp, cần phải có những cơ chế quản lý sao cho tránh được những cuộc hoảng khủng hoảng như 2 năm vừa qua trong tương lai”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

Nhìn lại hệ lụy khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng với lĩnh vực bảo hiểm trong 2 năm qua có thể thấy khá nghiêm trọng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, chỉ tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 52.049 tỷ đồng, gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng vỏn vẹn 0,5%). Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tháng 4/2023 còn tăng trưởng âm tới 2 con số.

Cũng theo bà Thu, trên thế giới, ngành bảo hiểm là một kênh dẫn vốn quan trọng. Riêng về quỹ hưu trí tự nguyện, ở các nước phát triển, quy mô của quỹ hưu trí tự nguyện là rất lớn, như ở Mỹ có thể lên tới 140 % GDP, Anh 83 % GDP và Singapore là 86 % GDP, quỹ hưu trí tự nguyện được đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu. “Có nghĩa đây cũng là một kênh dẫn vốn gián tiếp và có thể góp phần giúp phát triển thị trường vốn, qua đó là đóng góp cho sự tăng trưởng nền kinh tế”, bà Thu phân tích.

Tại Việt Nam, quỹ hưu trí tự nguyện mới manh nha phát triển. Để phát triển được quỹ này, theo bà Thu, đầu tiên các cơ quan chức năng cần phải sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý của quỹ hưu trí tự nguyện cho hợp bối cảnh.

Quỹ hưu trí tự nguyện hiện đang có rào cản khá lớn là thuế. Quỹ hưu trí tự nguyện, bao gồm 3 giai đoạn cơ bản, gồm: Đóng góp, đầu tư và chi trả. Phần đóng góp hiện nay miễn thuế cho người lao động ở mức 1 triệu đồng một tháng và mức này là quá thấp. GDP trên đầu người của Việt Nam trong 20 năm vừa qua tăng trưởng kép mức 11 %. Có nghĩa, với mức đóng này, trong 20 năm nữa số tiền thụ hưởng quá nhỏ không chi trả được trong tương lai. “Mức này cần phải tăng lên một cách hợp lý, phù hợp hơn với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam”, bà Thu khuyến nghị.

Điểm nữa liên quan đến chi trả. Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc rút trước hạn. Khi đóng góp vào quỹ người lao động được miễn thuế 1 phần ở khoản tiền 1 triệu đồng/người/tháng, trường hợp rút bảo hiểm trước hạn ở nước khác phạt rất nặng nhưng Việt Nam chưa có quy định dẫn đến rủi ro có thể trục lợi. Do vậy, cần xem xét để có quy định cụ thể và rõ ràng hơn.

Quỹ đầu tư được nhận định là kênh quan trọng huy động vốn xã hội. Ảnh minh họa

Quỹ đầu tư được nhận định là kênh quan trọng huy động vốn xã hội. Ảnh minh họa

Cuối cùng, theo bà Thu, quỹ hưu trí tự nguyện phải đầu tư tối thiểu 50% vào trái phiếu Chính phủ, phần còn lại phân bổ vào chứng chỉ quỹ của các quỹ khác (chủ yếu là quỹ trái phiếu, tiền gửi ngân hàng) và một phần nhỏ quỹ cổ phiếu. Bởi vậy, quy mô ban đầu của quỹ phải lớn, tức các quỹ hưu trí cần tiếp cận được các doanh nghiệp, cá nhân lớn tham gia ngay ở thời điểm triển khai.

Đây là rào cản lớn, bởi lẽ quỹ hưu trí tự nguyện thời kỳ bắt đầu thông thường có quy mô tương đối nhỏ. Mức đóng vào chỉ 1 triệu đồng/người/tháng, do vậy, cần phải có hàng nghìn hay chục nghìn người tham gia quỹ mới có thể đạt quy mô vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Nhưng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ lô chẵn tối thiểu là 50 tỷ đồng và rất khó để tìm lô lẻ nhưng lô lẻ giá rất cao, chưa kể lợi suất của trái phiếu Chính phủ hiện thời đang thấp kỷ lục. “Chúng tôi đề xuất đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tối thiểu của quỹ hưu trí tự nguyện chỉ nên ở mức khoảng 30% thì phù hợp với thông lệ”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-quy-dau-tu-tai-viet-nam-van-kho-341532.html