Phát triển rừng gỗ lớn: Còn nhiều khó khănTin khácLập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh: Điểm nhấn từ phong trào thi đua đặc biệtXét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú': Tôn vinh những tấm gương điển hình

Cán bộ Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình kiểm tra mô hình trồng cây gỗ lớn

– Phát triển rừng gỗ lớn là một trong những chủ trương quan trọng trong phát triển lâm nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất rừng, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển rừng gỗ lớn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), rừng gỗ lớn là rừng có tối thiểu 70% số cây đứng trên một đơn vị diện tích có đường kính thân tại vị trí 1,3 m tính từ gốc lên từ 20 cm trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh hoặc từ 30 cm trở lên đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính. Trong khi đó, rừng gỗ nhỏ có dưới 70% số cây đứng trên một đơn vị diện tích có đường kính tại vị trí 1,3 m từ 20 cm trở lên đối với cây sinh trưởng nhanh hoặc từ 30 cm trở lên đối với cây sinh trưởng chậm ở tuổi khai thác chính. Cây gỗ lớn hiện là nguyên liệu chủ yếu dùng trong xây dựng, đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao. Trong cùng một loài giống thì giá trị thương mại của gỗ có kích thước lớn trên 20 cm trở lên gấp 1,5 đến 2 lần gỗ nhỏ.

Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 617.766,84 ha, chiếm 74,34% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển lâm nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã phê duyệt các chương trình, kế hoạch để phát triển lâm nghiệp như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó, chú trọng phát triển rừng gỗ lớn. Theo đó, các huyện đã tăng cường, tích cực triển khai các nội dung này, tuy nhiên, việc trồng và phát triển rừng gỗ lớn còn khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến là chu kỳ kinh doanh gỗ kéo dài. Cụ thể, đối với rừng gỗ lớn, chu kỳ khai thác tối thiểu phải từ 10 năm đến 12 năm. Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian qua, để đẩy mạnh phát triển rừng, chúng tôi đã chú trọng tuyên truyền người dân tích cực xã hội hóa trồng rừng và phát triển rừng gỗ lớn nhằm gia tăng giá trị. Tuy nhiên, việc phát triển rừng gỗ lớn chưa được người dân chú trọng bởi chu kỳ khai thác dài, rủi do lớn do phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ. Cùng đó, điều kiện kinh tế của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không đủ điều kiện tài chính để theo chu kỳ khai thác dài, cho gỗ lớn. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 43.000 ha rừng thông, tuy nhiên người dân chủ yếu khai thác nhựa nên chất lượng gỗ không cao.

Thứ nữa, việc phát triển rừng gỗ lớn cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do vậy, những năm qua, người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung cấp làm dăm cho các nhà máy, xưởng chế biến chứ chưa chuyển đổi trồng rừng khai thác gỗ lớn. Ông Trương Quang Hùng, hộ dân trồng rừng lâu năm tại thôn Khe Cảng, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Mặc dù trồng rừng lâu năm sẽ cho giá trị kinh tế lớn nhưng với hộ sản xuất nhỏ lẻ như gia đình tôi thì việc chờ đợi hơn 10 năm mới đi vào khai thác rừng là rất khó khăn. Bởi lẽ trồng rừng từ 3 đến 5 năm khai thác giúp trang trải cuộc sống, lo cho các con học hành và xoay nguồn vốn để tái sản xuất.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, không chỉ tại các huyện: Lộc Bình, Đình Lập mà hầu hết các huyện còn lại đều khó khăn và chưa quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn. Người dân vẫn chủ yếu tập trung khai thác rừng gỗ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để từng bước gỡ khó trong phát triển rừng gỗ lớn, thời gian qua, chi cục đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho người dân. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, hạt kiểm lâm các huyện, thành phố đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 31 cuộc với 1.906 lượt người, phát 84 quyển tài liệu, trong đó, có tuyên truyền về giá trị của gỗ lớn và kỹ thuật canh tác rừng gỗ lớn. Ngoài ra, chi cục triển khai các nghị quyết, chính sách hỗ trợ phát triển rừng đến toàn thể người dân.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân áp dụng hình thức lấy ngắn nuôi dài, kết hợp với phát triển các mô hình sản xuất dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập. Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh, hiện trên địa bàn có trên 100 mô hình sản xuất dưới tán rừng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, tập trung hầu hết ở các huyện trên địa bàn tỉnh như: nuôi gà dưới tán rừng, trồng chè dưới tán rừng, trồng các loài cây dược liệu…

Cùng đó, tháng 4/2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện dự án xây dựng mô hình kinh doanh gỗ lớn, trồng rừng năng suất cao, thời gian 12 năm (đáp ứng tiêu chuẩn gỗ lớn đạt đường kính trên 20 cm). Theo đó, chi cục trồng mới 34 ha keo tại các huyện: Lộc Bình, Tràng Định và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với diện tích 3 ha tại huyện Lộc Bình. Hiện nay, 34 ha keo đã được trồng và phát triển tốt. Qua đó, tạo tiền đề để nhân rộng mô hình phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030.

Phát triển rừng gỗ lớn là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng, tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Cùng với các giải pháp được các cấp, ngành triển khai, các doanh nghiệp cùng người dân cần quan tâm, mạnh dạn, tích cực phát triển rừng gỗ lớn, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh

HỒ DUNG

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/458783-phat-trien-rung-go-lon-con-nhieu-kho-khan.html