Phát triển rừng gỗ lớn - những vấn đề đặt ra

PTĐT - Là tỉnh miền núi với diện tích đất đồi rừng lớn, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây lâm nghiệp, tận dụng những lợi thế đó, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Phát triển rừng gỗ lớn cho lợi ích kép cả về giá trị kinh tế và môi trường.

Phát triển rừng gỗ lớn cho lợi ích kép cả về giá trị kinh tế và môi trường.

PTĐT - Là tỉnh miền núi với diện tích đất đồi rừng lớn, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây lâm nghiệp, tận dụng những lợi thế đó, những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mặc dù việc trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao, song trên thực tế đây là vấn đề không dễ thực hiện bởi vẫn còn những trở ngại nhất định.

Phú Thọ hiện có gần 190.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 50% diện tích đất tự nhiên, trong đó 123.000ha là diện tích rừng trồng. Theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh khóa XVII về quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh thực hiện trồng và chuyển hóa rừng cây gỗ lớn 8,42 nghìn ha (trồng 3,45 nghìn ha, chuyển hóa rừng 4,97 nghìn ha) tại các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn được 3.289ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 1.306ha, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 1.983ha.
Như vậy, nhìn lại diện tích thực hiện phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh hiện chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng diện tích rừng sản xuất. Trong khi đó, qua tìm hiểu thực tế từ nhiều chủ rừng, hạch toán giá trị kinh tế của rừng gỗ nhỏ, giá trị thu về không cao. Năng suất rừng trồng của hộ dân bình quân khoảng 70m3/ha/chu kỳ 7 - 8 năm. Tổng chi phí trung bình đầu tư vào rừng nguyên liệu khoảng 20-25 triệu đồng/ha/chu kỳ, bao gồm chi phí chuẩn bị hiện trường trồng rừng, giống, phân bón, nhân công, tiền chăm sóc cho 3 năm đầu, tiền bảo vệ rừng cho các năm tiếp theo đến khi khai thác. Sau khi trừ chi phí sản xuất (chưa bao gồm nhân công), mỗi chu kỳ người dân thu về khoảng 25-30 triệu đồng/ha đối với trồng quảng canh và 35-45 triệu đồng/ha đối với thâm canh. Còn đối với trồng rừng gỗ lớn, theo các chuyên gia về kinh tế lâm nghiệp, giá trị cao gấp 3 đến 4 lần so với rừng gỗ nhỏ và chi phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ do giai đoạn về sau chủ yếu là chi phí bảo vệ rừng thay vì phải tái đầu tư chi phí giống, công trồng, chăm sóc. Như vậy có thể thấy, giá trị kinh tế từ rừng gỗ lớn mang lại rất lớn nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao việc phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh lại chưa hiệu quả?!Ông Phùng Văn Vinh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Có rất nhiều lý do khiến diện tích rừng gỗ lớn của tỉnh vẫn ở mức khiêm tốn, đầu tiên là vấn đề quy hoạch. Hiện quỹ đất để trồng rừng gỗ lớn khá hạn chế, thậm chí đan xen giữa các chủ rừng là Nhà nước và gia đình cũng như giữa các loại rừng với nhau. Thứ nữa là trồng rừng gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài, đòi hỏi phải có vốn, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp và gia đình thường trồng rừng gỗ nhỏ để xoay vòng vốn nhanh. Mấu chốt là vấn đề tâm lý của các hộ trồng rừng chưa thực sự mong muốn trồng rừng gỗ lớn. Chủ rừng Nguyễn Văn Quý, xã Thạch Kiệt (huyện Tân Sơn) cho rằng, người dân muốn trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5-7 năm do có nguồn thu nhanh hơn để trang trải cuộc sống, hoặc có thể sớm quay vòng đầu tư tiếp thay vì chỉ nhận một lần thu nhập nếu phát triển gỗ lớn.

Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp là một trong những khâu quan trọng, góp phần phát triển rừng gỗ lớn hiệu quả.

Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp là một trong những khâu quan trọng, góp phần phát triển rừng gỗ lớn hiệu quả.

Tại huyện Tân Sơn, ông Nguyễn Anh Tuấn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Với diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, kinh tế rừng giữ vai trò quan trọng ở Tân Sơn. Để nâng giá trị từ rừng, huyện cũng đã xây dựng mô hình và vận động người dân thực hiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, vì nguyên nhân căn bản là vốn, cộng với tâm lý e ngại kéo dài chu kỳ của người dân nên diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện chưa có nhiều. Thời gian qua, huyện cũng đã tiến hành rà soát và mới chỉ lựa chọn được 150ha để thực hiện mô hình.Huyện Yên Lập cũng là một trong những địa phương được lựa chọn để thực hiện trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn. Huyện đã lựa chọn xã có tiềm năng lớn như Mỹ Lung, Mỹ Lương và Ngọc Đồng làm mô hình chuyển đổi. Cái khó chung hiện nay của huyện cũng như nhiều địa phương khác là đa số hộ dân có diện tích rừng nhỏ, manh mún, điều kiện tài chính hạn hẹp, nên đều lựa chọn trồng rừng gỗ nhỏ truyền thống.Vấn đề đặt ra ở đây, các hộ trồng rừng chưa nhận thấy giá trị kinh tế của rừng gỗ lớn bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn điển hình tại các vùng để làm cơ sở minh chứng cho bài toán kinh tế thực so sánh giữa hai loại rừng. Ngoài khó khăn về nguồn vốn để chuyển hóa từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn thì ngành công nghiệp chế biến lâm sản ở tỉnh cũng đang còn nhiều tồn tại. Tỉnh có rất nhiều cơ sở chế biến với trên 2.700 cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ, trong đó có gần 600 doanh nghiệp, trên 2.100 hộ cá thể. Số lượng đơn vị sản xuất thì lớn song chủ yếu là chế biến thô như băm dăm, ván xẻ, ván thanh và ván bóc. Vì thế các chủ rừng thường khai thác rừng non cũng bởi lý do thiếu vốn và do nhu cầu của thị trường cần nguồn nguyên liệu. Một vấn đề nữa làm ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích rừng gỗ lớn đó là giống. Với ngành Lâm nghiệp, một ngành sản xuất kinh doanh có chu kỳ dài thì ảnh hưởng của chất lượng giống đến hiệu quả kinh tế là rất lớn. Giống có tốt mới cho năng suất cao, cùng với điều kiện tín dụng phù hợp, chu kỳ trồng rừng mới được kéo dài. Nhiều hộ dù nằm trong kế hoạch trồng rừng gỗ lớn nhưng do thiếu vốn cộng với thời điểm trồng rừng có hộ đã không lựa chọn được cây giống chất lượng, nên quá trình sinh trưởng, phát triển, nhiều cây bị sâu bệnh, phải chấp nhận bán non với giá thấp. Có thể thấy, tính liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến trồng, chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp và thị trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập…Phát triển rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời làm thay đổi tư duy người dân và phát triển rừng bền vững…Việc trồng rừng gỗ lớn là xu hướng tất yếu của ngành Lâm nghiệp; vì vậy, để phát triển rừng gỗ lớn cần phải có giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh cần quan tâm đến một số giải pháp cơ bản về kỹ thuật lâm sinh; về tổ chức và quản lý Nhà nước; về cơ chế chính sách. Ông Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thông tin: Để nâng giá trị và năng suất rừng trồng, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha. Theo đó, rừng đưa vào chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định; có cam kết với UBND cấp xã và hạt kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi, với phương thức hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND. Ngoài các chính sách hỗ trợ, tỉnh đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng diện tích rừng trồng.Những kết quả từ chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn hiện nay sẽ là tiền đề để phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với lợi ích kép của mô hình mang lại, ngành Nông nghiệp, ngành Kiểm lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, về môi trường cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202003/phat-trien-rung-go-lon-nhung-van-de-dat-ra-169905