Phát triển rừng, kinh tế lâm nghiệp
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, kể từ khi lực lượng kiểm lâm được thành lập, công cuộc phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã có hướng đi rõ ràng và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 1974, diện tích rừng tự nhiên còn nhiều, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 35%. Giai đoạn 1974 - 1991, trước nhu cầu sử dụng gỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các lâm trường thực hiện nhiệm vụ khai thác lâm sản theo kế hoạch giao. Cùng với đó, chính sách ưu tiên phục vụ sản xuất đảm bảo đủ lương thực cho người dân nên một số diện tích rừng được chuyển đổi làm nương, tình trạng di cư tự do của đồng bào các dân tộc thiểu số diễn ra phổ biến. Không chỉ vậy, việc trồng, khoanh nuôi, tu bổ rừng chưa thực sự được quan tâm, nên giai đoạn này diện tích rừng có xu hướng giảm, tỷ lệ che phủ rừng đến khi tái lập tỉnh (năm 1991) chỉ còn 18,1%; giá trị sản xuất lâm nghiệp mang lại chủ yếu do khai thác gỗ rừng tự nhiên.
Ngay sau khi tái lập tỉnh (năm 1991), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp tập trung thực hiện nhiệm vụ phục hồi rừng. Theo đó, giai đoạn 1991 -1998, đặc biệt là Chương trình số 327 ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước đã được ngành lâm nghiệp triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Giải pháp đột phá để tăng nhanh diện tích rừng là khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng được đẩy mạnh, bình quân mỗi năm khoanh nuôi tái sinh mới từ 5.000 đến 7.000 ha; trồng từ 3.000 - 5.000 ha rừng trồng phòng hộ, sản xuất. Việc rà soát giao đất, giao rừng theo Nghị định số 01 và 02 của Chính phủ được triển khai đồng bộ, tạo khí thế phấn khởi, thi đua làm nghề rừng trong Nhân dân. Các trang trại, vườn rừng, cây ăn quả, cây đặc sản được cộng đồng triển khai thực hiện, tài nguyên rừng từng bước được sử dụng hiệu quả. Kinh tế rừng đã trở thành động lực, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 31%. Tuy nhiên, do diện tích rừng mới trồng, đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên giá trị sản xuất lâm nghiệp còn thấp, thu nhập mang lại cho người trồng rừng chưa cao.
Thực hiện Quyết định số 661 ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, ngành lâm nghiệp lại tích cực triển khai thực hiện, phong trào trồng rừng kinh tế phát triển mạnh, rừng được phục hồi nhanh, tỷ lệ che phủ tăng bình quân mỗi năm 2%, khoanh nuôi tái sinh, khoanh nuôi có trồng bổ sung 63.240,1 ha; trồng mới rừng phòng hộ 13.974 ha; rừng đặc dụng 383 ha; rừng sản xuất 26.857 ha; trồng mới 16 triệu cây lâm nghiệp xã hội các loại tại ven đường, nơi công sở, công viên, trường học, bệnh viện. Sau 11 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, diện tích rừng của tỉnh Lào Cai đạt 327.755,11 ha, độ che phủ rừng đạt 50,1%; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt bình quân 800 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2010 - 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thông qua việc phê duyệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, dự án bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020. Giai đoạn này, diện tích rừng toàn tỉnh tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt đã hình thành tư duy xã hội hóa (người dân tự bỏ vốn trồng rừng), toàn tỉnh trồng mới 69.095 ha rừng.
Kinh doanh rừng chuyển hướng từ quảng canh sang thâm canh, từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; kết hợp với việc chuyển đổi cơ cấu từ cây trồng lấy gỗ (keo, mỡ...) sang các loài cây đa mục đích cho giá trị cao như quế, bồ đề, trẩu, thông... Lĩnh vực chế biến, nâng cao giá trị lâm sản được chú trọng. Các sản phẩm lâm sản thô như dăm gỗ nguyên liệu giấy, gỗ cốp pha, cây chống, ván bóc chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu hơn để xuất khẩu... Các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ lẻ chuyển dần sang hình thành các nhà máy chế lâm sản quy mô lớn, công nghệ tiến tiến, tạo ra các sản phẩm tinh, giá trị cao, gắn với vùng nguyên liệu.
Từ năm 2016, khái niệm kinh tế lâm nghiệp bắt đầu xuất hiện. Người dân nhận thức được giá trị từ rừng và bắt đầu tự đầu tư vốn trồng rừng.
Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác bình quân từ 100.000 - 300.000 m3/năm. Cùng với phát triển rừng trồng lấy gỗ, các loài cây cho đa dạng sản phẩm, lâm sản ngoài gỗ được chú trọng phát triển, như cây quế hơn 50.000 ha, cây bồ đề 6.619 ha. Một số loài lâm sản đặc hữu giá trị kinh tế cao như chè dây, thuốc tắm, măng bói, măng sặt, các loài cây dược liệu quý, hiếm... cũng được chú trọng phát triển; mô hình trồng cây bản địa và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đã có hiệu quả và là hướng phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế lâm nghiệp - kinh tế đồi rừng đã chính thức trở thành mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, lĩnh vực lâm nghiệp có cây quế và phát triển kinh tế đồi rừng được xác định là 1 trong 6 sản phẩm chủ lực, lĩnh vực trọng tâm theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ trong 2 năm (2021 - 2022), toàn tỉnh trồng mới gần 16.056 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 9.400 ha; trồng mới 4.719.980 cây xanh phân tán; tư duy về trồng rừng theo hướng chuẩn chứng nhận FSC, hữu cơ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm đang hình thành, nhiều chuỗi giá trị được hình thành như chuỗi quế, một số loài dược liệu... giá trị cây dược liệu chiếm tỷ trọng cao, trung bình 41,9% tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp, tương đương với gần 1.000 tỷ đồng/năm. Kinh tế đồi rừng tạo việc làm ổn định cho hơn 25.000 lao động; nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 130 tỷ đồng/năm.
Du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ đang là hướng đi được quan tâm để khai thác thế mạnh từ rừng. Trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt, các đề án du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, Bát Xát, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sa Pa, thành phố Lào Cai đang được xây dựng là tiền đề quan trọng để kêu gọi thu hút các dự án đầu tư về du lịch sinh thái nhằm tạo nguồn thu bền vững từ tài nguyên rừng, mang lại đóng góp không nhỏ trong giá trị ngành lâm nghiệp...
Đạt được những thành tựu trên phải kể tới nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, các cán bộ ngành lâm nghiệp và người dân trong việc phấn đấu phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp những năm qua. Thời gian tới, ngành lâm nghiệp tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, góp phần đưa lâm nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-trien-rung-kinh-te-lam-nghiep-post368696.html