Phát triển rừng sản xuất

Rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện có 10.428 ha, được phân bố ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng.

Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016- 2025, định hướng đến năm 2035, hiện nay, toàn tỉnh Tây Ninh có khoảng 72.253 ha rừng; trong đó rừng đặc dụng là 31.650 ha (chiếm 43,8%), rừng phòng hộ 30.174 ha (chiếm 41,8%), rừng sản xuất 10.428 ha (chiếm 14,4%).

Rừng sản xuất ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành.

Rừng sản xuất ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành.

Rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh phân bố ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng và được giao cho các đơn vị quản lý sau: Ban quản lý Khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc (khoảng 1.389 ha), Ban quản lý Khu rừng Phòng hộ Dầu Tiếng (3.579 ha), Ban quản lý các Khu di tích lịch sử Cách mạng Miền Nam (147 ha), UBND huyện Tân Biên (45 ha), UBND huyện Châu Thành (4.491 ha) và UBND huyện Bến Cầu (775 ha).

Rừng tự nhiên có khoảng 4.250 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Bến Cầu và một số ít ở huyện Tân Châu, Tân Biên; rừng trồng 4.657 ha; đất chưa có rừng 1.520 ha (chiếm 14,57% đất rừng sản xuất).

Trong các năm qua, mặc dù có quy hoạch rừng sản xuất, song các đơn vị chủ rừng chưa có dự án đầu tư phát triển rừng sản xuất. Công tác giao, cho thuê rừng sản xuất cho tổ chức, cá nhân sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp chưa thực hiện, nhất là rừng sản xuất là rừng tự nhiên (hầu hết là rừng nghèo). Thực tế, thời gian qua, ngoài đóng góp về môi trường, chưa được đầu tư phát triển nâng cao giá trị, đóng góp cho nền kinh tế.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu của đề án là chuyển giao rừng sản xuất về UBND huyện quản lý để thực hiện chủ trương giao, cho thuê rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trồng cây dưới tán rừng, trồng dược liệu... Sau khi giao, cho thuê, ngân sách sẽ thu tiền thuê đất hàng năm, bảo đảm việc giao đất rừng sản xuất đúng đối tượng và hạn mức giao theo quy định.

Theo đó, thời gian thực hiện việc chuyển giao rừng sản xuất từ các Ban quản lý rừng sang UBND huyện quản lý vào quý IV.2019. Trong thời gian tới, UBND các huyện sẽ xây dựng kế hoạch giao, cho thuê rừng, đất rừng sản xuất hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến cơ bản hoàn thành việc giao cho thuê rừng sản xuất vào ngày 31.12.2020; trồng rừng sản xuất trên diện tích chưa có rừng từ năm 2021, hoàn thành năm 2022.

Giang Hà

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/phat-trien-rung-san-xuat-a115136.html