Phát triển rừng trên cát ở Hải Lăng
Cùng với chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, những năm qua, huyện Hải Lăng đã coi trọng phát triển diện tích rừng trên cát ở các xã ven biển, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái và ngăn cát bay, cát lấp hiệu quả.
Chưa đầy 5 năm trồng và chăm sóc, diện tích rừng keo lưỡi liềm rộng gần 15 ha trên vùng cát của Hợp tác xã (HTX) Đông Dương, xã Hải Dương đã phát huy hiệu quả tích cực. Phó Giám đốc HTX Đông Dương Trần Xuân Hoành cho biết, cùng với diện tích rừng tự nhiên hiện có thì 15 ha trừng trồng này đã góp phần che gió, ngăn cát bay cát lấp và giữ độ ẩm cho các loại cây trồng khác. Với sự che chắn của diện tích rừng trên cát mà người dân có thể canh tác được nhiều loại cây hoa màu, trong đó nổi bật là cây ném, cây mướp đắng, dưa leo…
Theo ông Hoành, để hạn chế tình trạng cát bay, cát lấp, chính quyền địa phương đã vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng trên cát từ nhiều năm trước. Đến nay, với hiệu quả kinh tế cũng như vai trò to lớn của trồng rừng trên cát mang lại, hầu hết diện tích đất cát hoang hóa của HTX đã được phủ xanh bằng rừng tràm, phi lao và keo lưỡi liềm. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích rừng để tận dụng tối đa đất cát, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Hoành khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế cho biết, địa phương có gần 300 ha rừng trên cát. Có được kết quả này là nhờ thực hiện chương trình trồng rừng 661 của Chính phủ, địa phương đã tập trung vận động người dân trồng rừng để phủ xanh những diện tích đất cát hoang hóa. Diện tích rừng trên cát đã tạo vành đai giúp giảm đáng kể tình trạng cát bay, cát lấp; giữ độ ẩm để hằng năm nông dân canh tác hiệu quả 150 ha hoa màu các loại trên vùng cát. “Nhờ trồng rừng trên cát cùng với việc canh tác các loại hoa màu nên đến nay đời sống của nhiều hộ dân trở nên khá giả. Diện tích rừng trên cát còn bảo vệ thôn xóm làng mạc trước sự tàn phá của thiên tai”, ông Thông nói.
Toàn huyện Hải Lăng hiện có khoảng 850 ha rừng trên cát, tập trung chủ yếu ở các xã Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế, Hải An và Hải Khê. Trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên lâu năm đang được bảo vệ gần như nguyên vẹn. Huyện đã có chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý. Bên cạnh đó, những quy ước, hương ước bảo vệ rừng của từng địa phương, từng khu dân cư được xây dựng và áp dụng hiệu quả nên công tác bảo vệ rừng trên cát ở huyện Hải Lăng luôn được thực hiện tốt, tạo vành đai chắn gió, chống cát bay, cát lấp, chống xâm nhập mặn và giữ độ ẩm cho việc sản xuất các loại hoa màu trên cát.
Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng Văn Lợi, cùng với hiệu quả kinh tế mang lại thì hệ thống rừng trên cát đã phát huy vai trò phòng hộ, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ những tác động của thiên tai, chống xói mòn, rửa trôi đất, phòng, chống sạt lở và điều tiết nguồn nước. Ông Lợi dẫn chứng, những năm gần đây, tại các xã ven biển như Hải An, Hải Khê đã có hiện tượng nước biển xâm nhập ngầm trong đất. Một số giếng nước không thể sử dụng được vì bị nhiễm mặn. Điều này cho thấy nguồn nước ngọt bị cạn kiệt nên nước mặn đã xâm nhập vào lòng đất, nguy cơ rất lớn dẫn đến biến đổi hóa, lý tính vùng đất cát ven biển. Do vậy, trồng rừng trên cát sẽ giúp cho lượng nước ngọt bề mặt được lưu giữ lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải khẳng định, phát triển diện tích rừng trên cát đã góp phần ổn định đất sản xuất, phân bố lại dân cư, ổn định sản xuất, đời sống cho người dân vùng cát ven biển, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy vậy, độ che phủ của rừng trên cát vẫn còn thấp so với độ che phủ rừng chung toàn huyện. Rừng trên cát vẫn chủ yếu là các loại keo, phi lao, tràm gió. Công tác giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu. Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận người dân còn chưa cao nên còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng trên cát. Cụ thể, sẽ bảo vệ chặt chẽ toàn bộ diện tích rừng hiện có. Tổ chức hợp đồng giao khoán hoặc giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, trồng mới, trồng bổ sung với những diện tích sinh trưởng kém, mật độ cây thấp… Hỗ trợ trồng cây phân tán để tạo bóng mát, tăng tính năng phòng hộ trong toàn vùng. Đồng thời, ứng dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững trên vùng cát như trồng rừng sinh kế, sản xuất nông lâm kết hợp. Khuyến khích thành lập các tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp để trao đổi kinh nghiệm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154523