Phát triển sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch: Đổi mới, đón đầu cơ hội
Hà Nội có tiềm năng lớn về phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên chất lượng sản phẩm của làng nghề phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Vì thế, một trong những yêu cầu cấp bách để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm làng nghề là thay đổi mẫu mã phù hợp với thị trường. Điều này đòi hỏi các làng nghề phải tích cực đổi mới, đẩy mạnh việc nhận diện thương hiệu làng nghề nhằm đón đầu cơ hội.
Du khách lựa chọn sản phẩm truyền thống của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Linh Tâm
Sự chuyển mình của làng nghề
Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề ở Hà Nội, có 309 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận. Hơn một nửa trong số đó là các làng nghề thủ công mỹ nghệ với các nhóm nghề chính như: Sơn mài, khảm trai; mây tre, giang đan, gốm sứ, thêu ren, điêu khắc... Đây là những ngành nghề mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, có vai trò quan trọng đối với kinh tế địa phương và góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Nhiều năm qua, các làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội đã nỗ lực thay đổi mẫu mã sản phẩm vốn được xem là yếu tố cạnh tranh hàng đầu. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia láng giềng, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang gặp không ít khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng trở nên “khó tính”. Nếu như trước đây giá thành và chất lượng tốt (chắc/bền) là những yếu tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm thì nay, mẫu mã sản phẩm dần trở thành yếu tố quyết định đầu ra của sản phẩm làng nghề với các tiêu chí: Phong phú, đa dạng, hợp thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là thiết kế mang tính bền vững, có tính ứng dụng và thân thiện với môi trường”.
Có thể thấy rõ điều này nếu dạo quanh một vòng các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Tại Trung tâm bảo tồn - phát triển lụa Vạn Phúc chất lượng cao (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông), khách hàng có thể yên tâm lựa chọn các mặt hàng bảo đảm chất lượng với sản phẩm được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi tấm lụa tơ tằm đều ghi rõ tên cơ sở sản xuất trên các biên vải, bên cạnh thương hiệu làng nghề “Lụa Vạn Phúc”.
Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, những năm gần đây, các hộ dân đã quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời tích cực đổi mới mẫu mã. Bên cạnh các mẫu hoa văn truyền thống, nhiều hộ dân đã tự nghiên cứu, thiết kế những mẫu họa tiết mới hợp thời trang để đa dạng hóa sản phẩm. Không dừng lại ở việc sản xuất lụa truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất còn đảm nhận luôn việc cắt may, thiết kế các mặt hàng thời trang như: Áo sơ mi nam, áo dài nữ, caravat, vòng đeo cổ... để phục vụ khách hàng.
“Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã vận động chính quyền và các ngành chức năng hỗ trợ, trang bị cho làng nghề một máy đục hoa văn với công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ việc thiết kế riêng của từng cơ sở sản xuất, bảo đảm tính độc quyền và quyền sở hữu trí tuệ cho từng sản phẩm. Nhờ đó, người dân làng nghề có thể yên tâm sản xuất, sáng tạo nên những mẫu mã mới trên cơ sở gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông”, ông Phạm Khắc Hà chia sẻ.
Còn tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang khẳng định thương hiệu của mình thông qua các dòng sản phẩm với mẫu mã chuyên biệt, chất lượng cao. Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh có các sản phẩm nổi bật như: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng. Lò gốm của nghệ nhân Phạm Đạt định danh bằng thương hiệu “Gia tộc Việt” với các sản phẩm chủ đạo là đồ thờ làm bằng men rạn cổ hay các hoa văn đắp nổi thếp vàng. Còn Nghệ nhân nhân dân Trần Độ lại khẳng định mình qua việc sở hữu công thức pha chế các bài men quý hiếm, tạo nên các sản phẩm độc đáo từ dòng men ngọc, men nâu trầm, men chảy...
Ngoài ra, có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề khác như: Sản phẩm hộp sơn mài gắn sừng, hộp sơn mài gắn trai của Công ty Cổ phần Sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín); bộ đèn đan vảy rồng, làn đan mắt cáo, bát bộ ba của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) hay mặt dây đeo cổ sừng khảm đồng, vòng tay sừng sơn mài, hoa tai sừng tự nhiên của hộ kinh doanh Xuân Cường Handicrart (phường Hà Cầu, quận Hà Đông)...
Trang trí hoa văn trên sản phẩm gốm Bát Tràng.
Định vị sản phẩm, thương hiệu làng nghề
Ông Phạm Bá Hùng, CEO Công ty cổ phần Printopia Việt Nam cho rằng: “Lâu nay, các nghệ nhân, làng nghề dường như chưa chú trọng đến phần bao bì đóng gói sản phẩm. Trong khi việc thiết kế, đóng gói là phần không thể tách rời để định giá sản phẩm trên thị trường, giúp các làng nghề, hộ sản xuất định vị phân khúc thị trường sản phẩm của mình. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch không đơn giản là hàng hóa mà là hàng hóa đặc biệt. Giá trị của nó nằm ở các content (nội dung) truyền tải thông điệp. Khi khách hàng mua sản phẩm của các làng nghề, họ cũng sở hữu những giá trị văn hóa đi kèm. Đấy chính là nội dung giá trị mà sản phẩm cần hướng tới”.
Việc định vị sản phẩm bằng bao bì mẫu mã dường như là khái niệm mới với nhiều làng nghề, nhưng một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch có mức chi tiêu cao đã hướng tới điều này. Các cửa hàng như Hanoia, Tân Mỹ Design, OZ Silk... từ lâu đã chú trọng đến việc đóng gói bao bì sản phẩm phục vụ du khách.
Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (Tân Mỹ Design), mỗi sản phẩm tại cửa hàng sẽ được đóng gói bằng các túi giấy hoặc hộp bìa tái chế có trang trí logo của công ty cùng các họa tiết đơn giản, bắt mắt nhưng vẫn toát lên sự tinh tế, sang trọng. Bà Nguyễn Thùy Linh nhấn mạnh, với đối tượng khách có mức chi tiêu cao càng cần phải chú trọng đến những chi tiết nhỏ để họ thấy được giá trị của sản phẩm, đồng thời góp phần quảng bá cho thương hiệu làng nghề của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP - One Commune One Product) đến các địa phương, trong đó nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đăng ký sản phẩm phù hợp với các tiêu chí của chương trình.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống đăng ký tham gia chương trình bên cạnh các tiêu chí về chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm còn phải đảm bảo các vấn đề về bảo vệ môi trường, vùng nguyên liệu, minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm... Khi đáp ứng được các tiêu chí khắt khe ấy, các sản phẩm OCOP một mặt vừa khẳng định được thương hiệu làng nghề, mặt khác đã “chạm” được đến các thị trường xuất khẩu với những rào cản kỹ thuật khắt khe, từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại nguồn lợi tương xứng cho người dân làng nghề và địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, những sản phẩm tham gia chương trình OCOP của Thành phố sẽ được hỗ trợ về vấn đề thiết kế mẫu mã, bao bì nhận diện thương hiệu. Cùng với đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nghệ nhân làng nghề còn được tham gia các buổi tập huấn nâng cao kiến thức để định hướng thị trường, tạo ra những dòng sản phẩm mới phù hợp với từng dòng khách, gắn kết với thương hiệu làng nghề nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, định vị thương hiệu làng nghề là xu thế tất yếu, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các làng nghề. Quan trọng là các làng nghề cần tích cực chuyển mình hơn nữa để đón đầu, nắm bắt cơ hội trong xu thế phát triển nhanh chóng của thế giới hiện nay.