Phát triển sản phẩm nông nghiệp an toàn

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp để thay đổi tập quán canh tác của người dân, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu hoạch rau an toàn tại xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, các địa phương như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa... đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung với tổng diện tích hơn 9.000 ha. Từ đó, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn. Được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng RAT lớn, huyện Hoằng Hóa đã phát triển được gần 60 ha trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 53.000m2 sản xuất rau trong nhà lưới tại các xã Hoằng Giang, Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Hợp... Hiện tại vùng RAT chủ yếu sản xuất các loại, như: Cải, su hào, cà chua, dưa chuột... Theo ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Hoằng Hóa: “Tại các vùng sản xuất RAT, các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn người dân sản xuất rau theo quy trình VietGAP; từ khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón,... đến kỹ thuật sơ chế, đóng gói, dán tem mác sản phẩm RAT”. Từ đó, đã làm thay đổi tập quán sản xuất của các hộ dân, tuân thủ các bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Theo tính toán của người dân, việc trồng RAT mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Hiện nay, sản phẩm RAT theo mô hình VietGAP của các xã đã được ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị, như: BigC, Coopmart và các bếp ăn tập thể của một số đơn vị, doanh nghiệp.

Cùng với sản phẩm RAT, nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với các sản phẩm nông nghiệp an toàn, như: Thịt gà, thịt vịt, thịt lợn... được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi gia cầm của anh Trương Thế Hải, xã Quảng Thành (TP Thanh Hóa). Đây là một trong những trang trại tiên phong trong xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh. Trên diện tích 1,2 ha, anh xây dựng trang trại nuôi gà và vịt với số lượng đàn khoảng hơn 3.000 con. Để sản phẩm bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, anh chú trọng từng bước từ chăn nuôi đến giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ. Con giống của trang trại được anh liên kết với HTX dịch vụ gà ta Thanh Hóa cung ứng để được kiểm định nguồn gốc. Chuồng trại được đầu tư xây dựng khép kín, máng ăn, nước uống tự động, sử dụng đệm lót sinh học phủ men Balasa để phân hủy chất thải, tránh ô nhiễm môi trường. Thức ăn được phối trộn từ cám gạo, đầu tôm, bã bia, ngô xay và các loại dược liệu; sử dụng các loại máy nghiền, ép thức ăn để chủ động trong chăn nuôi; nhất là phòng bệnh cho gia cầm bằng thảo dược như tỏi, bồ kết... Sản phẩm trước khi tiêu thụ được đóng gói, hút chân không và bảo quản đông lạnh để bảo đảm độ tươi ngon. Hiện nay, sản phẩm của anh được cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và các nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, có khoảng 80% các hộ chăn nuôi ở các huyện, như: Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Quảng Xương,... đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gà thả vườn... theo hướng an toàn sinh học. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, tiến tới xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học để quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, các thành phần vô cơ, các chất tăng trọng.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn bước đầu khẳng định được hiệu quả, như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả... Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng, cũng như xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Bên cạnh đó, khuyến khích tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học - kỹ thuật, gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối tiêu thụ thông qua việc hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn và các siêu thị. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, từ đó tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-nong-nghiep-an-toan/119884.htm