Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

Chiều 14 - 10, đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị nghe báo cáo dự thảo Đề án 'Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030'.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, bền vững. Những năm qua ngoài các chủ trương, chính sách của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp. Cùng với đó Ngành nông nghiệp đã sát cánh cùng người dân khắc phục khó khăn giành được nhiều kết quả quan trọng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Đề án tại hội nghị

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế như: Chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh, có thương hiệu để giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường.

Việc cơ cấu lại Ngành nông nghiệp còn chậm, một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung quy mô lớn còn ít. Bên cạnh đó ít có sản phẩm chế biến sâu, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh…

Đại diện lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội nghị

Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phát triển các chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Thời gian qua Thanh Hóa xác định có 11 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: Lúa gạo; rau, quả; mía đường; cây thức ăn chăn nuôi; thịt và trứng gia cầm; thịt lợn; bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng; tôm; sản phẩm hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi.

Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể về diện tích, sản lượng, thị trường tiêu thụ cho từng sản phẩm chủ lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa ra giải pháp cơ bản để thực hiện các mục tiêu trong từng giai đoạn. Theo đó, phấn đấu giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp vào năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng, năm 2030 đạt 120 triệu đồng.

Tại hội nghị, đại diện các ngành, cơ quan liên quan đã đóng góp ý kiến làm rõ hơn các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án.

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội nghị

Trên cơ sở tham gia ý kiến của các ngành, đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững Ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đồng chí lưu ý đơn vị xây dựng Đề án cần chú trọng đến quy mô tổ chức các sản phẩm chủ lực theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, nhất là các sản phẩm có diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ nội địa ổn định tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và có thị trường suất khẩu.

Về sản phẩm chăn nuôi như thịt và trứng gia cầm, thịt lợn, cần phối hợp với Cục thống kê Thanh Hóa rà soát lại tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi tập trung để có định hướng phát triển phù hợp; chú trọng đến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi gắn với chế biến.

Với sản phẩm chủ lực trồng trọt, cần bổ sung thêm hai loại cây trồng là cây ngô và cây gai phục vụ chế biến. Cây thức ăn chăn nuôi chủ yếu phục vụ chăn nuôi bò tuy nhiên khuyến khích tuyển chọn các giống cây cho năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhà máy chế biến để xuất khẩu. Đồng thời cần quan tâm đến giải pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Đại diện lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội nghị

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị xây dựng Đề án phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét lại các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, giao thông nội đồng, các cơ sở chế biến… Bên cạnh đó, rà soát lại các chính sách để tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách mới trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở đóng góp của các ngành, cơ quan liên quan, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-tinh-thanh-hoa-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/125735.htm