Phát triển sản phẩm nông sản phù hợp nhu cầu giao dịch điện tử

Phát triển sản phẩm nông sản phù hợp với nhu cầu bán hàng online, tổ chức sản phẩm theo nhu cầu thị trường, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp… là những khuyến nghị được đưa ra tại Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 31-8 dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản sáng 31-8. Ảnh: Đức Tùng

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản sáng 31-8. Ảnh: Đức Tùng

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN&PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.

Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.

Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT cho biết, Tổ công tác 970 được thành lập từ giữa tháng 7 thực hiện việc kết nối cung ứng nông sản cho Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh phía Nam. Tính đến ngày 31-8, tổ đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành. Trang web đặt hàng của Tổ công tác 970: https://htx.cooplink.com.vn/ có khoảng 2.800 lượt đăng ký.

Ngoài kết nối cung cầu, Tổ công tác 970 còn hỗ trợ thông tin về địa chỉ các cơ sở sản xuất ở địa phương, tư vấn hỗ trợ để việc sản xuất được thông suốt, đồng thời giúp tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu được thông suốt.

Một kết quả nữa của Tổ công tác 970 là triển khai gói combo 10kg nông sản. Dù mới triển khai, người dân rất quan tâm tới gói combo nông sản. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút. Lượng nông sản bà con đặt trung bình một ngày là 300-400 tấn. Trong sáng 31-8, 43.000 gói combo đã được đặt và giao tới TP.HCM, Bình Dương từ các tỉnh lân cận như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Theo thống kê, gói combo nông sản của Tổ công tác 970 có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP.HCM, Bình Dương, với sản lượng khoảng 2.100 tấn.

Triển khai diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, Tổ công tác 970 đã ký 4 hợp đồng với các đơn vị: Tập đoàn Central Retail, Chợ đầu mối Thủ Đức, Sài Gòn Co.op, Công ty Viet Travel.

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương đã trao đổi thông tin thực tế về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương cũng như kiến nghị những giải pháp để kết nối cung cầu nông sản.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, sàn Saigon Co.op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. “Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Bây giờ không phải là lúc chúng ta hoảng sợ trước dịch bệnh, mà là phát triển đi lên” - ông Đức nói.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho rằng, thời điểm hiện nay việc thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng. Thế nên cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng kí mua sắm online. Cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng. Đồng thời, cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.

Để sự kết nối thành công, Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đưa ra 5 đề xuất.

Thứ nhất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo để xác định một đầu mối xây dựng bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể.

Thứ hai, chọn các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng khi có Bộ khung quy tắc này.

Thứ ba, chọn các sản phẩm đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại.

Thứ tư, nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho sản xuất sản phẩm của các ngành hàng hoặc xã hội hóa theo hình thức PPP; giao tổ chức, hiệp hội ngành hàng quản trị những nội dung cụ thể (như quản trị: hạn ngạch, tiêu chuẩn, chất lượng, sản lượng đối với từng sản phẩm, ngành hàng).

Thứ năm, cần tạo và hỗ trợ công tác truyền thông mạnh mẽ để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng ra thị trường mở.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất theo nhu cầu của thị trường, thay đổi tư duy chạy theo số lượng tư duy sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-san-pham-nong-san-phu-hop-nhu-cau-giao-dich-dien-tu-post443255.html