Phát triển sản phẩm OCOP ở Hướng Hóa

Ở huyện miền núi, biên giới Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, việc thực hiện Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được xem là giải pháp giúp các địa phương phát huy tiềm năng thế mạnh đất đai và nâng tầm hàng nông sản theo chuỗi giá trị.

Chăm sóc cà phê hữu cơ ở Hướng Hóa. Ảnh: Trần Dũng

Chăm sóc cà phê hữu cơ ở Hướng Hóa. Ảnh: Trần Dũng

Cà phê Arabica là một loại cây đặc sản chủ lực của huyện Hướng hóa. Một trong những yêu cầu của sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP là phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Vì thế, để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, ngoài 30 thành viên chính thức, Hợp tác xã (HTX) Nông sản Khe Sanh đã liên kết tạo vùng nguyên liệu với 115 hộ tại các xã Hướng Tân và Hướng Phùng sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ.

Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh - Nguyễn Thị Hằng cho biết, hằng năm, HTX có chính sách ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chất lượng cao cho các hộ liên kết, với mức giá thu mua cao hơn 50% so với giá thị trường. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ 50% cây giống và phân bón hữu cơ, với điều kiện các hộ phải canh tác theo kỹ thuật do HTX đưa ra, nghĩa là không lạm dụng hóa chất mà sản xuất sạch để tạo nên thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê Arabica Catimor Hướng Hóa. Nhờ cách làm này, hiện nay, HTX Nông sản Khe Sanh đã có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao là cà phê bột và cà phê hạt rang, mỗi năm, cung cấp ra thị trường 18 tấn thành phẩm.

Cũng chọn cách sản xuất hữu cơ, thuận theo tự nhiên nên sản phẩm cà phê bột của HTX Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Bốn Phương - Nguyễn Duy Phương cho biết, HTX chỉ tập trung vào sản xuất 2 dòng cà phê là Arabica và Liberica. Đây là 2 dòng cà phê không phổ biến như Robusta nên có lợi thế cạnh tranh và giá trị kinh tế cao. Trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, HTX chỉ bán được khoảng 70% lượng hàng sản xuất ra. Từ khi được công nhận, không chỉ tiêu thụ hết công suất sản xuất mà còn thường xuyên trong tình trạng không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa, những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP luôn có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thậm chí các sản phẩm cà phê Khe Sanh còn tìm được đầu ra trên thị trường thế giới. Hiện nay, huyện Hướng Hóa có 18 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm được xếp hạng đều là những nông sản đặc trưng của địa phương như cà phê, măng, chuối mật mốc, chanh leo... và chủ yếu trong số đó là các sản phẩm từ cà phê.

Huyện Hướng Hóa nằm trên dãy núi Trường Sơn, khí hậu thuận lợi, có nhiều điều kiện để phát triển một số loại nông sản đặc trưng. Ngoài cà phê, chuối mật mốc, măng khô..., còn có nhiều loại dược liệu đang được địa phương tập trung xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Chị Trần Thị Hoài Nhung, chủ cơ sở chế biến chuối sấy Chánh Nhung, xã Tân Thành cho biết, nếu sản phẩm được chứng nhận OCOP thì hàng hóa có cơ hội vào được các siêu thị lớn trên toàn quốc, thậm chí xuất bán ra nước ngoài chứ không như trước đó, chỉ loanh quanh tiêu thụ ở các xã lân cận. Quan trọng là qua chế biến còn giúp người trồng có điều kiện nâng cao giá trị quả chuối, chủ động trong bảo quản, tiêu thụ nông sản với giá thành ổn định hơn.

Còn theo đánh giá của ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán sản xuất manh mún, du canh du cư, phát đốt cốt trỉa nên không nâng cao được giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nay, bà con đã thay đổi tư duy sang làm kinh tế nông nghiệp, biết liên doanh liên kết sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhờ các chính sách hỗ trợ của chính quyền các cấp, của Trung ương. Sự ra đời của các HTX, các cơ sở chế biến nông sản đã góp phần quan trọng làm thay đổi tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào. Từ đó, hình thành các vùng trồng gắn với sản phẩm OCOP. Các chủ thể OCOP thì có nguồn nguyên liệu ổn định, bà con yên tâm sản xuất vì được bao tiêu đầu ra. Đó là một trong những cơ sở để phát triển OCOP bền vững, bởi muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, huyện căn cứ vào thế mạnh của mỗi xã để lựa chọn ra những sản phẩm phù hợp tham gia vào chương trình. Các chủ thể sản xuất được hỗ trợ khảo sát, xây dựng ý tưởng, thông tin, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tăng khả năng cạnh tranh thương mại, đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà chương trình đưa ra. Hiện nay, huyện hỗ trợ mỗi xã từ 30 đến 60 triệu đồng để nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và khuyến khích nông dân mở rộng quy mô sản xuất.

Măng rừng phơi khô - đặc sản của núi rừng Hướng Hóa. Ảnh: Trần Dũng

Măng rừng phơi khô - đặc sản của núi rừng Hướng Hóa. Ảnh: Trần Dũng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa nhiệm kỳ 2021-2025, huyện Hướng Hóa đặt mục tiêu mỗi năm công nhận 3-4 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Cũng trong giai đoạn này, huyện tập trung thực hiện ý tưởng gắn du lịch cộng đồng với sản phẩm OCOP ở 2 xã Tân Hợp và Hướng Phùng, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho bà con. Riêng năm 2024, huyện sẽ phát triển thêm từ 2-3 sản phẩm mới; củng cố, nâng cấp 5 sản phẩm đã được công nhận OCOP. Trong đó, ưu tiên xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và chắp cánh vươn xa cho các nông sản đặc sản của địa phương.

Hướng Hóa là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây tỉnh Quảng Trị. Toàn huyện có 97 thôn, bản thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Ông Trương Chí Hiếu, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực và các giải pháp tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm ổn định cho đời sống kinh tế hộ gia đình, để người dân có đủ các điều kiện phát triển sản xuất tại các xã khu vực III, xã biên giới. Tổ chức phát triển sản xuất theo vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của từng tiểu vùng, nghề truyền thống của từng cộng đồng dân tộc và xu hướng tiêu thụ sản phẩm của thị trường. Nhờ đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều mô hình hộ, nhóm hộ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cao và ổn định. Đến nay, đã có trên 100 thành viên là người dân tộc thiểu số tham gia câu lạc bộ cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên từ những vùng chuyên canh cây trồng theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Trần Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-trien-san-pham-ocop-o-huong-hoa-post479280.html