Phát triển sản xuất, hỗ trợ cộng đồng

Sau gần 10 năm xây dựng, phát triển, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Đồng Lâm) đã và đang không ngừng nỗ lực khẳng định vị thế, từng bước trở thành thương hiệu xi măng hàng đầu tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng Lâm cũng đã có sự đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung ở địa phương và cộng đồng.

Đồng Lâm đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cộng đồng

Đồng Lâm đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cộng đồng

Từ khi đi vào hoạt động năm 2014 đến nay, xi măng Đồng Lâm đã cung ứng ra thị trường gần 12,5 triệu tấn clinker và hơn 8 triệu tấn xi măng, phục vụ bà con miền Trung - Tây Nguyên cải tạo điều kiện sống, an toàn trong môi trường khí hậu mưa bão khắc nghiệt ở địa phương. Xi măng Đồng Lâm đã đóng góp hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gần 500 cán bộ, công nhân viên công ty và người lao động của các đơn vị đối tác, hợp tác...

Trong quá trình hoạt động, Đồng Lâm luôn nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Công ty đã điều chỉnh cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị liên quan để cơ cấu gọn nhẹ, phát huy năng suất lao động, phát huy năng lực chuyên môn của từng đơn vị/cá nhân. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, định biên nhân sự ngày càng tinh gọn, người lao động được quan tâm, hưởng đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm chia sẻ, công ty luôn quan tâm điều kiện làm việc, môi trường làm việc với các giải pháp cải tiến, cải tạo dây chuyền thiết bị như lắp đặt bổ sung ống hút/lọc bụi ở các điểm có phát bụi để hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến người lao động (tiếng ồn, bụi...). Đầu tư lắp đặt bổ sung hệ thống băng tải chuyển đá vôi thay vì dùng xe xúc, vận tải chạy bằng dầu DO gây ô nhiễm môi trường, tốn nhiều công sức con người, hay như việc đầu tư lắp đặt bổ sung máy đóng bao, đóng bành tự động để người lao động đỡ vất vả và tăng năng suất đóng bao, đồng thời quan tâm bồi dưỡng sữa, nước uống hay các phụ cấp cho người lao động. Vì vậy người lao động luôn hài lòng với công ty, muốn gắn bó lâu dài.

Công ty cũng quan tâm đến cải tiến, cải tạo dây chuyền thiết bị để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng (điện, nhiệt), tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Sau khi đi vào hoạt động vài năm, Đồng Lâm đã đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải để sấy máy nghiền xi măng, không chỉ tiết kiệm hàng tỷ đồng/mỗi năm (trước đây dùng dầu DO để đốt sấy) mà còn tham gia chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính bằng cách giảm khối lượng sử dụng dầu DO để đốt.

Hiện nay, công ty đang triển khai lắp hệ thống tận dụng nhiệt khí thải phát điện, tự cung tự cấp được 1/3 nhu cầu sử dụng điện của công ty, giảm giá thành sản phẩm, giảm áp lực lên hệ thống điện lưới Quốc gia và tham gia giảm hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, Đồng Lâm cũng nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, tận dụng tối đa tài nguyên không thể tái tạo (đá vôi) bằng cách khai thác, phối trộn hợp lý đá chất lượng xấu để tăng tuổi thọ của mỏ, giảm ảnh hưởng quá trình khai thác đến khu vực lân cận mỏ.

Ông Phạm Phước Hiền Hòa khẳng định, trong sự phát triển, thành công của xi măng Đồng Lâm, cũng đã có sự đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung ở địa phương và cộng đồng. Ngoài việc tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động mà đa số là người dân địa phương, Đồng Lâm đã góp phần làm thay đổi bộ mặt các xã lân cận, đường xá đi lại thuận tiện hơn, khang trang hơn, kéo theo sự phát triển của cả những khu vực lân cận nhà máy.

Xi măng Đồng Lâm còn thực hiện trách nhiệm cộng đồng với chính quyền và người dân địa phương. Theo đó, đã ủng hộ hàng ngàn tấn xi măng (khoảng 5.000 tấn) cho người dân và địa phương trong xây dựng nông thôn mới, cải tạo cuộc sống người dân, đã xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo ở xã Phong Xuân (3 nhà).

Gần nhất là hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương từ năm 2020, ủng hộ, giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở Phong Điền qua các phong trào do địa phương Phong Điền phát động với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Với người dân sống lân cận khu mỏ nhà máy, công ty còn có các chính sách quan tâm, hỗ trợ cải thiện cuộc sống người dân như mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ bị ảnh hưởng khói bụi, chính sách hỗ trợ ngưng sản xuất, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa người dân...với tổng kinh phí hàng năm hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng. Lũy kế từ khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2014 đến nay, công ty đã hỗ trợ tổng cộng 27 tỷ đồng, chưa kể tổng cộng khoảng 3.600 tấn xi măng mà công ty đã hỗ trợ để người dân và địa phương xã Phong Xuân (nơi đặt nhà máy) có thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới và xây dựng nhà tình thương.

Chính nhờ cách làm hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp, quan tâm cuộc sống người dân, thực thi trách nhiệm cộng đồng trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty mà môi trường nhà máy ngày càng yên ổn, càng nhận được sự ủng hộ của người dân, an ninh trật tự nhà máy ngày càng đảm bảo, góp phần giúp công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng thuận lợi.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/phat-trien-san-xuat-ho-tro-cong-dong-135403.html