Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế mang lại giá trị cao

Sản xuất hoa, cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên việc phát triển trong cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng chưa tương xứng tiềm năng.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao"

Các đại biểu tham dự hội thảo "Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao"

Đây là đánh giá tại hội thảo “Phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức tại TP Hải Dương sáng 10/10.

Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Dương và 25 tổ chức thành viên; đại diện Hội Sinh vật cảnh 12 huyện, thị xã, thành phố và 8 trung tâm, câu lạc bộ trực thuộc.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về 3 vấn đề chính: Những căn cứ, cơ sở quan trọng để phát triển ngành kinh tế sinh vật cảnh với những sản phẩm xanh, đặc hữu, có giá trị cao về văn hóa và kinh tế; thực trạng phát triển sinh vật cảnh và những nhận thức, phương thức hoạt động cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển sinh vật cảnh toàn diện, hiệu quả; một số định hướng và giải pháp phát triển sinh vật cảnh trong thời gian tới.

Theo số liệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cả nước có trên 50.000 ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh. Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích trồng hoa, cây cảnh tập trung lớn, gắn với những làng nghề truyền thống lâu đời. Tiềm năng phát triển sinh vật cảnh của cả nước và nhiều địa phương là rất lớn. Nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ngày càng tăng, bình quân từ 12 - 15%/năm...

Doanh thu bình quân từ hoa, cây cảnh đạt từ 350 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu khoảng 80 triệu USD/năm.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh, làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Tuy nhiên, việc phát triển hoa, cây cảnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương tham luận tại hội thảo

Ông Ngô Văn Hanh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương tham luận tại hội thảo

Để phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế mang lại giá trị cao, các đại biểu cho rằng cần nâng cao vị thế, vai trò của Hội Sinh vật cảnh các cấp. Hội Sinh vật cảnh cần hỗ trợ các hội viên, thành viên trong hoạt động nghề nghiệp. Đặc biệt cần thay đổi nhận thức, sinh vật cảnh không chỉ là thú chơi mà còn là sản phẩm đặc hữu, đặc biệt, có giá trị cao về kinh tế.

Phát huy vai trò nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, người lao động có tay nghề cao; ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sinh vật cảnh.

Quan tâm xây dựng mô hình mẫu, nhà vườn tiêu biểu, kiểu mẫu, cơ sở sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Khai thông, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh...

Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hải Dương có trên 7.600 cán bộ, hội viên. Phong trào trồng cây sinh vật cảnh và cây bóng mát ở Hải Dương trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc. Sản xuất sinh vật cảnh bao gồm cây cảnh nghệ thuật, cây công trình và các loại hoa, đạt giá trị 500-600 triệu đồng/ha/năm.

NGÂN HẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phat-trien-san-xuat-hoa-cay-canh-thanh-nganh-kinh-te-mang-lai-gia-tri-cao-395335.html