Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở Thanh Sơn

PTĐT - Là trung tâm tiểu vùng kinh tế của các huyện phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Sơn nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, có trục đường quốc lộ 32A và 70B chạy qua, những năm qua, huyện đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, bền vững.

Trồng chè mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao đời sống cho người dân xã Địch Quả.

Trồng chè mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao đời sống cho người dân xã Địch Quả.

Võ Miếu là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện với khoảng 300ha. Chè được coi là cây xóa đói giảm nghèo và mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây nên người dân đã đầu tư thâm canh, chú trọng đến bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, từ canh tác chè theo lối truyền thống, người dân có sự thay đổi rõ nét cả về tư duy và phương thức canh tác theo hướng an toàn. Điển hình như làng nghề, HTX chế biến chè an toàn Thanh Hà với hơn 100 hộ tham gia. Các hộ làm nghề đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới với nhiều máy móc hiện đại như máy vò, máy quay, máy hút chân không..., sản phẩm chè đa dạng, lợi nhuận cao và ổn định góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới trong nông nghiệp đã được xã nhân rộng, phát triển như mô hình trồng nấm, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gà kết hợp với phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi trâu bò thịt, bò lai chất lượng cao, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán công nghiệp… góp phần tăng giá trị sản phẩm, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Từ đó, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 26 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 3,9%.Ông Hà Văn Thạo - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Để phù hợp điều kiện và tập quán trồng trọt của người dân, xã đã quy hoạch thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác; tạo điều kiện cho người dân được tham gia các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, thâm canh chè, gieo trồng cây vụ Đông, kỹ thuật chăm sóc cây lâm nghiệp, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, giúp người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống”. Cùng với Võ Miếu, nhiều xã ở huyện đã tích cực phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa như Cự Thắng, Tất Thắng, Lương Nha, Thục Luyện... Giai đoạn 2015 - 2020, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án về nông nghiệp, trọng điểm là phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao, phát triển sản xuất lương thực và phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ KHKT, thâm canh tăng năng suất, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nguyên liệu tập trung gắn với sơ chế, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với người dân tạo chuỗi giá trị trong sản xuất. Đi cùng với đó, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng thành công, có bước phát triển cả về số lượng, quy mô và đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được sự bứt phá về năng suất, sản lượng cũng như giá trị thu nhập với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 12.000ha; năng suất lúa đạt 56 tạ/ha, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên 2.070ha; sản lượng lương thực đạt trên 46,4 nghìn tấn, giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,52%, hộ cận nghèo giảm còn 12,14%. Diện mạo kinh tế- xã hội của huyện Thanh Sơn đang được đổi mới, khởi sắc từng ngày. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Kinh tế- xã hội của huyện phát triển nhanh và bền vững.Bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Sơn bám sát quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp toàn diện, bền vững theo mô hình trang trại, gia trại; chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, thời gian tới, huyện nhận diện và phát huy tốt lợi thế của địa bàn cửa ngõ kết nối vùng Tây Bắc với đồng bằng Sông Hồng, đồng thời là một trong những cầu nối chuyển tiếp giữa 2 nền văn hóa Mường - Việt để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, trong đó mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm nông sản đặc trưng, mũi nhọn gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa huyện ngày càng phát triển bền vững”.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202103/phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-hang-hoa-o-thanh-son-175854