Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài 1)
Phát triển sầu riêng Lâm Đồng theo hướng bền vững (bài cuối)

Bài 2: Nhiều dư địa để phát triển

Nhận định về dư địa để phát triển cây sầu riêng, nhiều doanh nghiệp và các địa phương kỳ vọng, ít nhất từ 5 - 7 năm nữa, giá cả cũng như thị trường tiêu thụ trái sầu riêng sẽ được duy trì ổn định. Đây vẫn sẽ là loại cây trồng được nông dân tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Công ty Long Thủy lựa chọn chế biến sầu riêng bằng cách tách múi và đưa vào kho lạnh cấp đông, lưu trữ để cung ứng thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa giúp nâng cao giá trị

Công ty Long Thủy lựa chọn chế biến sầu riêng bằng cách tách múi và đưa vào kho lạnh cấp đông, lưu trữ để cung ứng thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa giúp nâng cao giá trị

Tiếp tục mở rộng diện tích

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000 ha sầu riêng. Riêng huyện Đạ Huoai đã có gần 4.000 ha; trong đó “thủ phủ” xã Hà Lâm đã chiếm đến gần 1.500 ha sầu riêng.

Ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâm cho biết: Hiện tại, với 1.000 ha sầu riêng trên địa bàn đang bước vào thời kỳ kinh doanh, niên vụ 2021, xã Hà Lâm cung cấp ra thị trường 13.000 tấn sầu riêng các loại. Trong khi đó, giá sầu riêng được thương lái thu mua với mức giá 40.000 đồng/kg, mỗi nhân khẩu tại địa phương có nguồn thu lên đến 157 triệu đồng/người. Sau khi trừ tất cả chi phí, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 86 triệu đồng. Đến nay, toàn xã đã có 179 hộ/268,8 ha sầu riêng VietGAP và đăng ký hơn 13.300 tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng các loại.

Cũng như nhiều địa phương khác ở Đạ Huoai, trên địa bàn xã Đoàn Kết trong vài năm trở lại đây, diện tích sầu riêng tăng mạnh do người dân đã mạnh dạn chuyển đổi. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Tuy sầu riêng không phải cây trồng chủ lực, bởi diện tích trồng được cây sầu riêng chưa tới 30% trên tổng diện tích đất canh tác của toàn xã nhưng là loại cây trồng đem lại nguồn thu lớn nhất cho người nông dân.

Tính đến nay, trên địa bàn xã Đoàn Kết đã phát triển trên 250 ha sầu riêng cho thu hoạch và trong năm 2021, xã đặt ra mục tiêu chuyển đổi, cải tạo giống, tiếp tục trồng mới 70 ha sầu riêng. Đặc biệt, tập trung công tác đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ cao để cho tăng năng suất, chất lượng. Trên địa bàn xã hiện có 1 hợp tác xã sản xuất trái sầu riêng hoạt động hiệu quả và UBND xã đang phấn đấu thành lập thêm 1 hợp tác xã mới.

Theo ông Đông, thực hiện kế hoạch Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Đạ Huoai, Đảng ủy, UBND xã Đoàn Kết cũng đã tập trung phát triển các loại cây trồng này, trước mắt là xây dựng 40 ha sầu riêng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Trong đó, trọng tâm là quy trình sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ, quy trình chế biến nông sản theo tiêu chuẩn HACCP và các quy chuẩn khác theo yêu cầu của các nước nhập khẩu... Ưu tiên sử dụng giống Mongthong, Dona có giá bán cao, đáp ứng công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các hộ dân tiếp tục duy trì và đăng ký hỗ trợ sản xuất sầu riêng VietGAP theo Đề án truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai đã được phê duyệt.

Đẩy mạnh chế biến, bảo quản sau thu hoạch

Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm) cho biết: Kể từ năm 2014 đến nay, thị trường và đầu ra cho trái sầu riêng tỉnh Lâm Đồng khá ổn định. Chưa có năm nào giá sầu riêng giảm xuống mức dưới 40.000 đồng/kg hay rơi vào tình trạng cần giải cứu vì thị trường tiêu thụ chậm. Cây sầu riêng sẽ còn nhiều dư địa để phát triển, là sự lựa chọn hàng đầu của nông dân khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vài năm tới.

Theo ông Võ Hữu Long, khác với tình trạng tụt giá rất mạnh của trái bơ trong năm 2021, sầu riêng có thế mạnh về phát triển chế biến hơn. Khi thị trường không thuận lợi, các doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành thu mua sầu riêng cho nông dân, sau đó thực hiện việc tách múi để đưa vào kho lạnh cấp đông, lưu trữ trong một thời gian dài để cung ứng thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa nâng cao giá trị trái sầu riêng.

Tại Công ty Long Thủy, việc cấp đông nhanh sầu riêng theo quy trình khép kín nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm đã giúp doanh nghiệp này thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Long cho hay: Sầu riêng chỉ có một mùa trong năm nhưng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng lại quanh năm. Do đó, ngoài việc thu mua, cung ứng sản phẩm trái tươi đi khắp các thị trường, Công ty Long Thủy còn tuyển chọn hàng trăm tấn sầu riêng chất lượng cao để đưa đến phòng bóc tách, lấy múi rồi sơ chế, đưa vào kho lạnh cấp đông làm cứng phần thịt trên múi sầu riêng. Cuối cùng, là đưa ra đóng gói vào những bao bì có trọng lượng 0,5 kg rồi chuyển lại vào kho đông lạnh ở nhiệt độ dưới 20 độ C chờ đưa ra thị trường.

Riêng trong năm 2021, doanh nghiệp đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng dưới dạng tách múi đông lạnh với số lượng khá lớn, giá thành mỗi kg sầu riêng lên đến 260.000 đồng/kg. Do đó, đơn vị đang tích cực đầu tư xây dựng thêm hệ thống kho lạnh, nâng công suất chế biến trái sầu riêng - ông Long cho hay.

Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cũng cho rằng: Cây sầu riêng sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Theo ông Tiện, thực tế là diện tích trồng sầu riêng trong cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng đang tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, tại các tỉnh miền Tây, hiện nay tình trạng xâm nhập mặn đang là thách thức cho các nhà vườn, diện tích trồng sầu riêng khu vực này đang bắt đầu co lại. Nhiều nông dân tại đây đang bắt đầu tìm đến tỉnh Lâm Đồng, nhất là 3 huyện phía Nam để đầu tư trồng sầu riêng. Như vậy, một phần diện tích trồng sầu riêng về cơ bản đã được dịch chuyển từ vùng này sang vùng khác.

Mặt khác, thông thường một vụ sầu riêng chỉ kéo dài 2 tháng, nhưng ở các vùng khác nhau thì có thời gian thu hoạch rất khác nhau. Cụ thể, các tỉnh miền Tây sẽ bước vào vụ thu hoạch sầu riêng sớm nhất, sau đó đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ rồi mới đến các tỉnh Tây Nguyên. Riêng tại Lâm Đồng, trái sầu riêng cũng có thời gian thu hoạch rất khác nhau, bắt đầu từ huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh rồi đến Đạ Huoai, sau đó mới dịch chuyển lên các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà... Do đó, thời gian thu hoạch sầu riêng đã được kéo dài, dàn trải trên nhiều địa phương khác nhau, rất thuận lợi cho việc tiêu thụ của người dân và doanh nghiệp.

HOÀNG SA - HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202107/phat-trien-sau-rieng-lam-dong-theo-huong-ben-vung-bai-2-3069535/