Phát triển sinh kế cho người dân - Nhân tố quan trọng để giảm nghèo bền vững

Những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) với cách nghĩ, cách làm mới đang từng bước giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định cuộc sống trên chính quê hương mình.

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, ngành, các địa phương ở Bắc Kạn đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Sức bật từ những “vùng trũng”

Để khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, năm 2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa. Trong đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại, gia trại chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi, phát triển thị trường...

Sau hơn ba năm triển khai Nghị quyết, Bắc Kạn đã lựa chọn và phê duyệt được nhiều danh mục dự án liên kết. Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính từ năm 2020 tới 2022, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 56 dự án hỗ trợ liên kết trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 51 dự án do các hợp tác xã chủ trì liên kết, làm chủ đầu tư.

Từ liên kết theo chuỗi giá trị, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, như: Vùng trồng dong riềng khoảng 1.000ha ở huyện Na Rì, huyện Ba Bể; vùng trồng bí xanh thơm khoảng 200ha ở huyện Ba Bể…

Là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Ba Bể, 2 năm gần đây, trong triển khai công tác giảm nghèo xã Bành Trạch đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó một số mô hình sinh kế đem lại hiệu quả, tạo thu nhập cho người dân.

Bản Lấp là thôn có 46 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu bò vỗ béo bằng hình thức nuôi nhốt, xã vận động người dân trồng cây kiệu vụ đông xuân. Cây kiệu nếu được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật cho năng suất khoảng 20 tấn củ/ha, với giá bán 8.000 đồng/kg, sẽ đem lại nguồn thu nhập cao gấp 3 đến 4 lần so với trồng một số loại cây trồng khác như ngô, lúa trên cùng một đơn vị diện tích.

Đặc biệt cây kiệu ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, chỉ khoảng hơn 3 tháng được thu hoạch. Năm trước khi triển khai trồng kiệu người dân còn e ngại, từ hiệu quả đem lại, vụ đông xuân năm nay các hộ đã đăng ký trồng hơn 4ha. Mô hình được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ sản phẩm củ kiệu của mô hình được Công ty TNHH VIETNAM MISAKI thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá đã ký cam kết.

Thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, với nguồn vốn được phân bổ, chính quyền xã Bành Trạch đã cùng bà con nghèo ở các thôn cùng bàn bạc và quyết định lựa chọn một số mô hình sinh kế sẽ triển khai thực hiện trong những năm tới đây như: Nuôi lợn đen, chăn nuôi gà thịt. Các mô hình này sẽ tiếp tục thực hiện ở thôn Pác Châm và Bản Hon.

Kinh tế tập thể tạo sinh kế bền vững

Nhờ sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự đổi mới trong tư duy tổ chức sản xuất mà người dân tại Bắc Kạn đã xây dựng được rất nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu qua đó tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo bền vững.

Điển hình như, HTX Tài Hoan ở huyện Na Rì là một trong những HTX tiêu biểu trong tỉnh trong việc góp phần phát triển kinh tế tập thể nâng cao đời sống cho người dân nông thôn và đóng góp vào việc xây dựng phong trào nông thôn mới ở địa phương và tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan cho biết, vào cuối năm 2020, được sự hỗ trợ về vốn của Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) và vốn đầu tư của tỉnh, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng hơn 5.000 m2 để hoàn thiện dây chuyền tráng miến. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng nhà màng phơi miến, nhà sấy miến cùng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại khác. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư xây dựng mới, HTX tập trung sản xuất theo phương pháp hiện đại thay thế cho phương pháp truyền thống.

Hiện nay, HTX tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, HTX ký hợp đồng bao tiêu hơn 70ha cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nên đã tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết.

Hiện nay, Bắc Kạn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các hợp tác xã khi làm chủ đầu tư, được tiếp xúc với cơ chế, chính sách, trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm đã nâng cao năng lực, đáp ứng thị trường. Một số sản phẩm nông sản đã trở thành hàng hóa, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Bắc Kạn còn có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy nhiên, việc hình thành sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đồng nghĩa phải thay đổi tư duy và tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào miền núi. Do đó, bên cạnh việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn trực tiếp và gián tiếp thông qua các hợp tác xã để liên kết sản xuất, thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo thuận lợi hành lang pháp lý để tăng cường thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/phat-trien-sinh-ke-cho-nguoi-dan-nhan-to-quan-trong-de-giam-ngheo-ben-vung--i312576/