Phát triển thành công kháng thể giúp giảm 80% nguy cơ mắc COVID-19

* EU gấp rút thực hiện tận dụng vắcxin để tăng số liều

Kết quả nghiên cứu công bố ngày 21/1 cho thấy kháng thể tổng hợp do hãng dược phẩm Eli Lilly phát triển có thể giúp giảm 80% nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy đây mới chỉ là kết quả sơ bộ và vẫn đang chờ ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhưng phát hiện này vẫn được các chuyên gia đánh giá cao, mở ra triển vọng về liệu pháp phòng ngừa mới bổ sung cho vắcxin.

Kết quả trên được đưa ra sau cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối do Chính phủ Mỹ tài trợ, trong đó 299 cụ ông và cụ bà cùng 666 nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão đã tham gia tiêm kháng thể như một cơ chế phòng ngừa. Những người tham gia thử nghiệm được lựa chọn ngẫu nhiên, theo đó họ sẽ được tiêm 4,2 g kháng thể Bamlanivimab/người, hoặc giả dược.

Sau 8 tuần theo dõi, kết quả cho thấy nguy cơ phát triển các triệu chứng bệnh COVID-19 về tổng thể đã giảm 57% đối với những người tham gia thử nghiệm. Đặc biệt, những người được tiêm Bamlanivimab có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 thấp hơn tới 80% so với những người còn lại. Trong số 299 cụ tham gia, có 4 trường hợp đã tử vong sau đó do mắc COVID-19 và họ đều nằm trong nhóm sử dụng giả dược.

Ông Daniel Skovronsky - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khoa học của hãng Eli Lilly, cho biết: "Chúng tôi đặc biệt hài lòng với những kết quả tích cực cho thấy Bamlanivimab có thể giúp ngăn ngừa COVID-19, giúp giảm đáng kể các triệu chứng bệnh ở những cư dân viện dưỡng lão - một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội".

Nghiên cứu này cũng xem xét việc sử dụng kháng thể Bamlanivimab - liệu pháp đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ - để điều trị cho 132 bệnh nhân COVID-19 tại các nhà dưỡng lão (bao gồm 41 cụ ông và cụ bà, cùng 91 nhân viên). Trong số này sau đó có 4 trường hợp tử vong và họ đều là những người sử dụng giả dược.

Chuyên gia Nick Cammack cho biết: "Những kết quả này vượt quá sự kỳ vọng của chúng tôi. Điều đó chứng tỏ rằng phương pháp này có thể áp dụng cả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh và điều trị bệnh. Khả năng giảm nguy cơ mắc COVID-19 lên đến 80% sẽ là thông tin đáng chú ý và có thể gây những tác động đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh của những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên toàn cầu".

Trong khi đó, bà Eleanor Riley - Giáo sư về Miễn dịch học thuộc Đại học Edinburgh (Anh), cho biết liệu pháp kháng thể có thể được sử dụng để bổ sung cho việc tiêm vắcxin. Bà nêu rõ: "Sẽ luôn có một tỉ lệ nhỏ dân số không thể tiêm chủng hoặc không đáp ứng tốt với tiêm chủng do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhiều vấn đề như suy giảm miễn dịch hoặc các liệu pháp ức chế miễn dịch".

Liệu pháp Bamlanivimab dựa trên "kháng thể trung hòa" hiệu quả mà hãng dược phẩm Lilly phát hiện ở một bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19. Bamlanivimab liên kết với một protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn virus này xâm nhập các tế bào của con người.

Các tế bào miễn dịch của con người tạo ra các kháng thể có thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo ra hàng loạt các protein mong muốn.

* Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đảm bảo đủ các ống tiêm đặc biệt để có thể chiết xuất được 6 liều từ mỗi lọ vắcxin của Pfizer phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong nỗ lực tiêm chủng cho nhiều người hơn và tiết kiệm chi phí.

Vắcxin do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức phát triển là loại vắcxin đầu tiên được EU phê duyệt vào tháng 12/2020.

Ban đầu loại vắcxin này được bán trên thị trường EU theo lọ, với liều lượng mỗi lọ 5 liều tiêm, nhưng sau khi xem xét lượng vắcxin trong mỗi lọ, cơ quan quản lý dược phẩm của EU ngày 8/1 đã cho phép chiết xuất 6 liều tiêm từ mỗi lọ vắcxin.

Với quyết định trên của EU, số liều tiêm thực tế sẽ nhiều hơn, do đó Pfizer nâng mục tiêu sản lượng năm nay lên 2 tỉ liều vắcxin so với 1,3 tỉ liều dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, các quốc gia EU mua vắcxin có thể đối mặt với tình thế bất lợi là phải trả tiền 6 liều cho mỗi lọ vắcxin, bất kể có khả năng chiết xuất đủ 6 liều hay không.

Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về các thỏa thuận giá cả sau khi thay đổi quy định.

EU là thị trường tiêu thụ vắcxin hàng đầu thế giới và Pfizer/BioNTech là nhà cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 lớn nhất cho EU.

Liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 21/1, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã đi đến thống nhất tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, công nhận lẫn nhau đối với kết quả xét nghiệm và xem xét hạn chế các di chuyển không cần thiết qua biên giới, trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch khi phải đối mặt với mối đe dọa từ các biến thể mới của virus gây bệnh.

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết biên giới nội khối EU phải được mở, vận chuyển hàng hóa sẽ được tiếp tục nhưng cần phải xem xét hạn chế các hoạt động di chuyển không thiết yếu.

Chủ tịch Michel cho biết lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí về một khuyến nghị của Hội đồng châu Âu thiết lập một khuôn khổ chung cho việc sử dụng các xét nghiệm kháng nguyên nhanh và công nhận lẫn nhau về kết quả xét nghiệm COVID-19 trên toàn EU.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh phải hạn chế tất cả các chuyến du lịch không thiết yếu cả trong nước cũng như xuyên biên giới.

Tuy nhiên, cả hai quan chức đều cho rằng hoạt động của thị trường chung và việc di chuyển xuyên biên giới của những lao động làm việc trong các ngành thiết yếu phải tiếp tục được duy trì.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/251514/phat-trien-thanh-cong-khang-the-giup-giam-80-nguy-co-mac-covid-19.html