Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Bạch hầu là bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ bệnh nhân không qua khỏi cao.

 Giả mạc xuất hiện ở vùng hầu họng của người bệnh bạch hầu. Ảnh: The Museum of Health Care.

Giả mạc xuất hiện ở vùng hầu họng của người bệnh bạch hầu. Ảnh: The Museum of Health Care.

Ngày 8/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang báo cáo trường hợp cô gái 18 tuổi mắc bệnh bạch hầu sau khi tiếp xúc gần với một người qua đời vì cùng căn bệnh này ở Nghệ An.

Trong khi đó, tại Nghệ An, CDC tỉnh này cũng xác nhận một trường hợp qua đời do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phát hiện một ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu và 119 người tiếp xúc gần với ca bệnh.

Hiện ngành y tế cả hai địa phương đều đẩy nhanh công tác kiểm soát dịch. Đây là bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ bệnh nhân không qua khỏi cao.

Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (trong nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây nguy hiểm tính mạng) trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Loại vi khuẩn nguy hiểm

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ không qua khỏi của bệnh nhân cũng lên tới 5-10%.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc. Các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.

Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn này có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây bằng việc tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết từ người bệnh.

Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, xảy ra ở giai đoạn toàn phát hoặc có thể chậm vài tuần sau khi người bệnh khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tỷ lệ không qua khỏi thường rất cao.

Bên cạnh đó, biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và sẽ hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân qua khỏi.

Ngoài ra, hiện tượng liệt các dây thần kinh vận nhãn, liệt cơ chi và cơ hoành có thể xuất hiện vào tuần thứ 5 của bệnh, khiến bệnh nhân bị viêm phổi và suy hô hấp. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi, có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.

 Vi khuẩn bạch hầu thường gây bệnh nghiêm trọng ở đường hô hấp. Ảnh: Shutterstock.

Vi khuẩn bạch hầu thường gây bệnh nghiêm trọng ở đường hô hấp. Ảnh: Shutterstock.

Bệnh có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc giai đoạn sau sinh. Tỷ lệ không qua khỏi của bệnh đối với sản phụ là khoảng 50%, 1/3 trường hợp sống sót có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và mang thai, nhưng biến chứng vẫn cần được điều trị kéo dài.

Tỷ lệ không qua khỏi của bệnh thường vào khoảng 5-10%, có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Căn bệnh bắt buộc phải khai báo, cách ly

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết địa phương, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.

Do thực hiện tốt việc tiêm vaccine, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000.

Bộ Y tế quy định bạch hầu là bệnh bắt buộc phải khai báo. Tất cả bệnh nhân viêm họng giả mạc nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly đường hô hấp nghiêm ngặt cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 2 lần âm tính.

Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm, bệnh nhân cũng cần phải cách ly sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Những người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân cũng phải được xét nghiệm vi khuẩn, điều trị bằng thuốc và theo dõi trong vòng 7 ngày bất kể tình trạng miễn dịch của họ như thế nào. Những người tiếp xúc đã được gây miễn dịch trước đây nên tiêm nhắc lại một liều giải độc tố bạch hầu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải sát trùng, khử khuẩn tất cả đồ vật có liên quan tới bệnh nhân bằng Chloramin B, luộc sôi hoặc phơi nắng.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/benh-bach-hau-nguy-hiem-the-nao-post1485145.html