Phát triển thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm

Trong nhiều năm qua, thành phố Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để có bước phát triển nhanh hơn. Vì thế, Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đặt quyết tâm khai thác các tiềm năng, đưa thành phố vươn lên mạnh mẽ, phát triển xứng tầm trong giai đoạn mới.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ tạo lực đẩy để thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong thời gian tới.

Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu; trong đó, chỉ tiêu đầu tiên là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Chỉ tiêu này được Đảng bộ thành phố cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Về mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, thành phố Hồ Chí Minh đặt ra ba mốc thời gian. Đến năm 2025, là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo… GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Đến năm 2030, là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD… Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD…

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế để tạo sức bật vươn lên từ sự hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khóa X Nguyễn Thiện Nhân cho biết, yếu kém lớn nhất của thành phố là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, của hợp tác vùng và hợp tác quốc tế để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, thành phố là một đô thị đặc biệt, nhiều việc đòi hỏi phải xử lý nhanh, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần trách nhiệm cao. Trong tình hình chính sách pháp luật còn chồng chéo, thành phố phải mạnh dạn đề xuất và kịp thời tháo gỡ, nếu không sẽ trì trệ.

Tập trung thực hiện tốt 4 chương trình phát triển

Nhằm phát triển thành phố Hồ Chí Minh xứng tầm giai đoạn mới, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 4 chương trình phát triển gồm: Chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố; chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố; chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa thành phố; chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai tốt 4 chương trình phát triển trên, sớm đưa Nghị quyết của Đảng bộ đi vào cuộc sống. "Trong 4 chương trình trên thì chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố là chương trình rất quan trọng, tăng hiệu quả quản lý nhà nước theo phương châm “nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo”. Ở chương trình đột phá này có 14 chương trình, đề án thành phần như đề án chính quyền đô thị, thành lập thành phố Thủ Đức (thuộc thành phố Hồ Chí Minh); chuyển một số huyện thành quận; xây dựng thành phố thông minh; chương trình chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tri thức…”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong thông tin.

Theo Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân, để thành phố phát triển bứt phá trong thời gian tới, phát triển kinh tế tri thức phải là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra. “Giải pháp phát triển kinh tế tri thức được xây dựng xoay quanh 4 trụ cột chính: Giáo dục - đào tạo; nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo; hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thể chế chính sách. Bốn trụ cột này cần gắn liền với các chương trình đột phá và chương trình trọng điểm của thành phố”, ông Vũ Hải Quân nói.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (thành phố Thủ Đức) sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố và khu vực, dựa trên nền tảng phát triển mũi nhọn là nền kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp như: Ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh; đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, logistics; phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981458/phat-trien-thanh-pho-ho-chi-minh-xung-tam