Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu lớn của ngành ngân hàng. Để thực hiện, hệ thống ngân hàng đã và đang triển khai các ứng dụng cùng nhiều giải pháp nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu các dịch vụ trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc giới thiệu các dịch vụ trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có sự phát triển, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 33 ATM, 75 POS, gần 140.000 thẻ thanh toán, hơn 125.000 tài khoản ngân hàng và hơn 970 đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử được thực hiện qua thông qua Internet, điện thoại di động thông minh, ATM, POS tăng nhanh. Tính riêng trong năm 2021 đã có hơn 2,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 18.966 tỷ đồng được thực hiện qua ATM, POS, Internet và điện thoại di động thông minh.

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án), các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của UBND tỉnh, ngày 30/5/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 373/KH-BKA thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu cụ thể được xác định là: Đến cuối năm 2025 từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Tại Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt. Ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng... Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.

Một giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Nhà nước, dịch vụ hành chính công là tăng cường triển khai thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Hệ thống "một cửa" của tỉnh nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí...

Các đơn vị cung ứng dịch vụ công (bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục) xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; khuyến khích các trường học, bệnh viện, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Để việc triển khai đạt kết quả cao, tại Kế hoạch số 373/KH-BKA của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ tới các cơ quan trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với giao dịch thu/chi ngân sách nhà nước, thu phí dịch vụ công và an sinh xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chủ động rà soát, đánh giá mạng lưới và có kế hoạch, biện pháp để bố trí, điều chỉnh hoặc phát triển hợp lý mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm đặt máy giao dịch tự động, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Triển khai mở rộng các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.../.

H.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202206/tai-chinh-ngan-hang-phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-23e21a4/