Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiệu quả

Phát triển thị trường lao động tạo thuận lợi cho NLĐ tìm việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: KIM CHI

Bộ LĐ-TB-XH vừa có Quyết định 1405/QĐ-BLĐTBXH ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động (TTLĐ). Quyết định nêu rõ các giải pháp hỗ trợ người lao động (NLĐ), đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.

Theo Quyết định 1405, chương trình nhằm từng bước phục hồi và phát triển TTLĐ hiệu quả đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế. Chương trình có các mục tiêu cụ thể, trong đó duy trì tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Bên cạnh đó, hỗ trợ NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.

Phát triển TTLĐ phù hợp từng địa phương

Tại Phú Yên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ tỉnh Phú Yên đến năm 2030 với quan điểm phát triển TTLĐ toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương trong tỉnh, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ phát triển TTLĐ thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển TTLĐ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến quyền lợi của NLĐ trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động hội nhập quốc tế, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước gắn với TTLĐ quốc tế. Mục tiêu là tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố TTLĐ, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối TTLĐ tỉnh Phú Yên với TTLĐ các tỉnh, thành phố trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các mục tiêu cụ thể trong kế hoạch gồm, tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu TTLĐ. Trong đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35-40% vào năm 2030. Tỉ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ, phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Tỉnh đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 21,6% vào năm 2025 (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra) và đạt 31,5% năm 2030, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,3% lực lượng lao động vào năm 2025 và chiếm khoảng 10% lực lượng lao động vào năm 2030. Đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin TTLĐ của tỉnh hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin...

Tạo việc làm ổn định cho người dân

Chương trình hỗ trợ phát triển TTLĐ tỉnh Phú Yên đến năm 2030 là một chương trình kinh tế - xã hội mang tính toàn diện. Chương trình được triển khai thực hiện thông qua hệ thống chính sách cụ thể, vì thế cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân NLĐ để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã đề ra, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Do đó, tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp và triển khai một số chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia TTLĐ cho các nhóm lao động đặc thù (người khuyết tật, NLĐ dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn, học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp). Tỉnh hỗ trợ phát triển cung, cầu lao động, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng giám sát, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia để NLĐ được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc thực tế. Sử dụng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin TTLĐ, kết nối cung - cầu lao động. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ việc làm phù hợp với TTLĐ của tỉnh. Tập trung khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh theo hướng kết nối với các trung tâm trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa là nơi thực hiện các giao dịch việc làm, kết nối thông tin TTLĐ, phân tích, dự báo TTLĐ của tỉnh và kết nối các tỉnh, thành phố với nhau. Hỗ trợ kết nối TTLĐ trong tỉnh, ngoài tỉnh và ngoài nước, phát triển các TTLĐ đặc thù...

NGUYỄN TÀI SOA

Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/269722/phat-trien-thi-truong-lao-dong-dong-bo-hieu-qua.html