Phát triển thị trường lao động: Hiện đại, hội nhập trong Kỷ nguyên mới
Năm hết Tết đến, ngành Lao động tự hào đã hoàn thành các chương trình công tác của Chính phủ. Một trong những điểm đáng ghi nhận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về xây dựng chính sách pháp luật là được Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội và Quốc hội xem xét dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ quản lý khá nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và giảm nghèo… Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, năm 2025 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ triển khai thực hiện hợp nhất với Bộ Nội vụ về lĩnh vực lao động, còn các lĩnh vực khác được chuyển giao về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc.
NHỮNG BẤT CẬP HẠN CHẾ CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Việc hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật luôn là một nhiệm vụ quan trọng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất quan tâm. Năm 2024, Bộ đã hoàn thành 24 đề án và 15 đề án đang trình trong tháng 12/2024. Trong đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), xem xét, thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, 1 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 13 thông tư.
Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (tỷ lệ 93,42%) với nhiều nội dung lớn mang tính cải cách, như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội tạo điều kiện cho hàng triệu người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế (BHYT), mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm…
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đang ở giai đoạn trình Quốc hội xem xét thảo luận. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, dự án đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao vì có những thay đổi lớn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giúp cho người lao động có công ăn việc làm ổn định.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) lần này rất cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Lao động là yếu tố cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì thế thị trường lao động vừa có những đặc điểm cơ bản của yếu tố thị trường, vừa có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên thị trường lao động vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Trước hết, đó là tình trạng thiếu hụt lao động tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; số lao động có việc làm phi chính thức không có hợp đồng lao động, hưởng ít phúc lợi vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn; mất cân đối cung cầu lao động, chất lượng lao động còn nhiều bất cập, hạn chế… Một số quyền lợi của người lao động còn bị hạn chế, chưa tạo động lực cho người lao động nâng cao năng lực và làm việc hiệu quả.
Đồng thời, chưa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các hình thức làm việc mới như làm việc từ xa, làm việc tự do, giúp tăng tính linh hoạt của thị trường lao động; chưa giúp người lao động hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường lao động quốc tế, chưa thu hút lao động nước ngoài có trình độ cao cũng như lao động người Việt chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài; chưa giúp cho người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao hơn; môi trường cạnh tranh chưa lành mạnh nên chưa thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chưa tạo ra nhiều việc làm.
CÁC NHÓM CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Để giải quyết những bất cập về thị trường lao động, cần xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế. Thực hiện điều này cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người lao động. Do đó, sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết để tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả hơn cho việc phát triển thị trường lao động. Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.
So với Luật Việc làm năm 2013, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn ở cả 4 nhóm chính sách với mục đích giúp thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Thứ nhất, bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm, cả việc làm công và việc làm tư đối với nhóm chính sách quản trị nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Nhóm chính sách thứ nhất này nhằm tạo ra sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia để đẩy mạnh giao dịch việc làm trên môi trường mạng theo hướng công khai, minh bạch, có sự kết nối, liên thông. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch việc làm công và tư và cả hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động.
Thứ hai, nhóm chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phải coi các chính sách này là công cụ quản trị thị trường lao động, là “bà đỡ” của thị trường lao động khi người lao động mất việc làm.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4 + 5/2025 phát hành ngày 27/1 – 9/2/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1168