Phát triển thị trường lao động - phòng ngừa tranh chấp phát sinh

Năm 2023 dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục có những khó khăn, thách thức nhất định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, cả nước đã có hơn 95% người lao động quay trở lại làm việc; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Nhiều địa phương có tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc cao như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, thành phố Hồ Chí Minh...

Có được kết quả này cho thấy giải pháp giữ chân người lao động của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để thị trường lao động phát triển ổn định, hài hòa và tiến bộ, tránh những tranh chấp phát sinh cần những giải pháp tiếp theo. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã trao đổi cùng VOV về nội dung này.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông cảm nhận như thế nào về không khí làm việc của công nhân, người lao động sau những ngày nghỉ Tết vừa qua?

Ông Lê Đình Quảng: Tôi có một cảm nhận là không khí làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và phấn khởi của người lao động. Có được không khí lao động nghiêm túc hiệu quả ngay từ ngày làm việc sau kỳ nghỉ Tết như vậy là kết quả của nhiều yếu tố. Trong đó, có sự quan tâm đồng hành và chăm lo động viên tinh thần cũng như vật chất của người sử dụng lao động, của tổ chức công đoàn, cùng cả hệ thống chính trị cho người lao động trong thời gian qua. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là chất xúc tác giúp cho người lao động thấy được trách nhiệm của mình, giúp họ gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Từ đó khi quay trở lại, họ lao động với tinh thần trách nhiệm cao, cống hiến hết mình cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tôi cho đây là một tinh thần rất là mới của năm nay mà người lao động đón nhận.

Tôi nhớ là thời điểm những năm trước, ngày đầu tiên đi làm việc sau Tết chỉ đạt con số khoảng 80% nhưng qua thống kê, nhất là ở Bình Dương hay Hà Nội có thể thấy tỷ lệ người lao động quay trở lại ngay từ ngày đầu đi làm việc là cao. Nhưng tỷ lệ người lao động quay lại cao chỉ là một việc. Còn tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phấn khởi ngay từ ngày đầu cũng có thể thấy rõ hơn so với cùng kỳ những năm trước đây.

PV: Ông có nghĩ một phần kết quả này là do doanh nghiệp có những chế độ phúc lợi xã hội đối với người lao động như tăng lương, tổ chức những chuyến xe đưa đón công nhân trước và sau Tết rồi hỗ trợ về nhà trọ?

Ông Lê Đình Quảng: Tôi cho rằng đây chính là chất xúc tác giúp cho người lao động có thái độ lao động một cách nghiêm túc và trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp. Bởi trong quá trình lao động sản xuất trước Tết có thể nói là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Người lao động cũng trải nghiệm được sự khó khăn khi lao động không có việc làm. Qua dịch bệnh, qua suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Vì vậy, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, các tổ chức chính trị xã hội đã vào cuộc chăm lo cho người lao động khi doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn, nên khi quay trở lại người lao động thấy được trách nhiệm của mình với một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp.

PV: Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì có thể thấy thị trường lao động của đầu năm nay chúng ta sẽ không lo thiếu nhân lực, nhưng trong quý 1 và quý 2 thì vẫn sẽ có hiện tượng thiếu việc làm, đặc biệt là ở những ngành dệt may, da giày hay chế biến gỗ và chủ yếu là tập trung ở khu vực phía Nam. Vậy theo ông vào những thời điểm như thế này thì vai trò của những đơn vị kết nối cung cầu lao động cần thể hiện như thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Thời gian gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những rủi ro tác động của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và những dấu hiệu suy giảm kinh tế ở một số quốc gia… dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ… ở các khu vực trọng điểm phía Nam phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Theo số liệu mà chúng tôi thống kê được thì đã có gần 54.000 lao động mất việc làm. Tuy nhiên, khi thống kê ở 63 tỉnh, thành thì nhu cầu các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động vào cuối năm 2022 là khoảng 400.000 lao động.

Như vậy, dự kiến nhu cầu lao động cần tuyển dụng vào thì cao hơn rất nhiều số lao động mất việc làm. Điều này đặt ra vai trò rất lớn của các đơn vị kết nối cung cầu lao động. Như vậy thực ra về tổng thể thì doanh nghiệp đang có nhu cầu lao động rất lớn và ở đây chỉ là thiếu cục bộ. Như vậy, trách nhiệm giải quyết bài toán việc làm đặt ra cho các đơn vị kết nối cung cầu lao động là rất lớn.

Muốn vậy, chúng ta phải đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đảm bảo cung ứng lao động kịp thời và đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một giải pháp rất quan trọng để đảm bảo thị trường lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

PV: Vâng, thưa ông năm 2023 thị trường lao động được dự báo tiếp tục gặp những thách thức. Ý kiến của cá nhân ông thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Theo tôi, năm 2023 dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn tiếp tục có những khó khăn, thách thức nhất định ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động của chúng ta. Trong khi đó, thị trường lao động của chúng ta chưa thực sự phát triển ổn định và bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài. Vì vậy, đặt ra cho chúng ta một kỳ bài toán rất khó khăn liên quan đến đảm bảo cân đối thị trường lao động. Có thể những thách thức, nhất là giai đoạn đầu tôi nghĩ là thiếu việc làm cục bộ vẫn tiếp tục xảy ra. Một bộ phận lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trọng điểm, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, rồi linh kiện điện tử có thể tiếp tục thiếu việc làm mà chúng ta chưa thể là cân đối cung - cầu, điều chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác được.

Thách thức thứ hai là về chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta. Hiện nay, có thể nhu cầu lao động của doanh nghiệp về tổng thể thì cao hơn, nhưng số lao động của chúng ta hiện nay đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì chưa phải là tất cả. Và cuối cùng là thách thức về việc làm bền vững. Nhiều người lao động nhảy việc, bỏ việc và họ có chất lượng lao động không cao, đời sống thu nhập của lao động ở khu vực này rất thấp, đây là những thách thức làm cho thị trường lao động của chúng ta ảnh hưởng.

PV: Vậy theo ông với những thách thức đặt ra như vậy chúng ta cần có những giải pháp và sự quan tâm như thế nào để thị trường lao động phát triển ổn định và hài hòa trong năm 2023?

Ông Lê Đình Quảng: Theo tôi, để giải quyết những bất cập như vậy thì chúng ta phải có nhiều giải pháp và các giải pháp đồng bộ. Thì có mấy giải pháp sau đây chúng ta cần phải quan tâm.

Thứ nhất là chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động, đảm bảo cho thị trường lao động vận hành một cách an toàn, ổn định, đồng bộ và hiệu quả.

Thứ hai tôi cho đây là giải pháp căn cơ nhất - đó là chúng ta phải thực hiện hiệu quả các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động. Vì chúng ta biết rằng, muốn có việc làm thì phải sản xuất kinh doanh, mà phát triển thì mới tạo ra được việc làm.

Thứ ba là chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chât lượng cao để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay.

Thứ tư là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống quản trị lao động, từng bước hiện đại hóa, minh bạch, làm cơ sở để xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời hiệu quả các chính sách về việc làm và an sinh xã hội.

Thứ năm là phải đẩy mạnh các hoạt động kết nối, cung cầu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, đảm bảo cung ứng kịp thời và phải kết nối được thị trường lao động trong và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Cuối cùng tôi nghĩ chúng ta cũng phải hết sức quan tâm đến việc đảm bảo các phòng ngừa về tranh chấp phát sinh trong quá trình lao động, đó là giảm thiểu các tranh chấp lao động đình công.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông./.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-trien-thi-truong-lao-dong-phong-ngua-tranh-chap-phat-sinh-post999893.vov