Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới
Ngày 26/11, tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học quốc tế chủ đề 'Phát triển thị trường văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới'.
Hội thảo do trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, văn hóa ngày càng khẳng định vai trò không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững quốc gia.
Trình bày đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Đặng Hoài Thu khẳng định, văn hóa là “sức mạnh mềm” của quốc gia và các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng đóng góp lớn cho GDP đất nước. Do đó, việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa.
Việc phát triển thị trường văn hóa và sản phẩm văn hóa ở Việt Nam vẫn có một số hạn chế: Thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa chậm phát triển, quy mô nhỏ, mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa có các chính sách mang tính đột phá khuyến khích sáng tạo; sản phẩm văn hóa ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu…
“Thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới, sáng tạo và thích ứng linh hoạt của thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Đòi hỏi phải nghiên cứu, thảo luận đưa ra được những vấn đề lý luận và giải pháp hiệu quả”, PGS.TS. Đặng Hoài Thu nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo tham luận, tiến hành thảo luận, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản như vai trò và đặc điểm của thị trường văn hóa trong bối cảnh mới, đi sâu vào các khía cạnh thực tiễn như: Xây dựng chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ, mối quan hệ hợp tác công - tư, cũng như các mô hình phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo…
Các tham luận cũng nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong những yếu tố then chốt để thị trường văn hóa Việt Nam có thể bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu.