Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP

Thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu cho Việt Nam song hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn.

Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài. Đây là thông tin đáng chú ý được các chuyên gia nêu tại Tọa đàm “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27-9.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019. Sau gần 5 năm thực thi, CPTPP đã mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực.

Chia sẻ rõ hơn, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, nếu nhìn vào hai thị trường Canada, Mexico-những thị trường trước đây chưa có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam thì kể từ khi thực thi CPTPP, tăng trưởng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. Kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường này luôn ở hai chữ số.

Điển hình như, năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022.

Các đại biểu tham gia trao đổi tại tọa đàm.

Các đại biểu tham gia trao đổi tại tọa đàm.

Với thị trường Peru, dư địa tăng trưởng của thị trường này rất cao. Có những năm tăng trưởng ba chữ số. Đấy là một điểm tích cực và cho thấy rõ ràng rằng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tích cực các cơ hội từ CPTPP mang lại.

Tuy nhiên, ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3-5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.

Đề cập tới nguyên nhân tại sao thương hiệu hàng hóa Việt Nam chưa được phát triển mạnh tại các thị trường này, các ý kiến trao đổi tại tọa đàm cho biết, là do doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại các thị trường. Các doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu riêng chưa được quan tâm đúng đắn. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, năng lực chế biến và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp cũng được cho là còn hạn chế.

Các ý kiến cũng nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn những cơ hội và giá trị do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Đáng chú ý, việc xây dựng thương hiệu không phải cần rất nhiều tiền mà quan trọng phải có tư duy, chiến lược. Đơn cử như với sản phẩm gạo ST25 thương hiệu An An của Tập đoàn Tân Long, tháng 6-2022, sản phẩm này đã chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản. Để vào được thị trường này gạo An An đã phải vượt qua 600 tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Vì vậy, xuất khẩu bằng chính thương hiệu của gạo Việt Nam vào thị trường Nhật Bản được đánh giá là thành công rất lớn của Tập đoàn Tân Long, mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu của hàng hóa Việt Nam.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-thuong-hieu-viet-nam-tai-thi-truong-cptpp-744569