Phát triển thương mại dịch vụ bền vững theo hướng đồng bộ, hiện đại
Những năm gần đây, lĩnh vực thương mại dịch vụ của tỉnh phát triển nhanh, đa dạng các loại hình theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ. Nhờ đó đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; ưu tiên nguồn lực phát triển giao thông tới nông thôn, tạo thuận lợi về giao thương giữa các vùng miền.
Ngành Công Thương thực hiện tốt công tác quản lý thương mại, kiểm soát thị trường; tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; đấu tranh chống hàng giả và gian lận thương mại; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời tuyên truyền người dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, thông tin: Sở đã triển khai công tác xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng thương mại, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các loại hình hạ tầng thương mại đặc thù chợ, cửa hàng xăng dầu. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý đối với các hoạt động cấp phép và hậu kiểm đối với các loại mặt hàng kinh doanh có điều kiện, mặt hàng hạn chế kinh doanh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng trang thông tin, các video, hình ảnh, bài viết giới thiệu các sản phẩm nông sản của Sơn La. Hỗ trợ xây dựng và chuyển giao cho các doanh nghiệp, HTX các website thương mại điện tử và phần mềm quản lý khách hàng. Tổ chức đào tạo, tập huấn và triển khai các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đưa các sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử (như Postmart, sendo, Voso, Tiktok shop…) hướng dẫn các kỹ năng livestream, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa trên các mạng xã hội.
Mạng lưới hạ tầng thương mại từng bước được mở rộng; các loại hình thương mại văn minh, hiện đại tiếp tục được khuyến khích đầu tư xây dựng, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, hệ thống bán lẻ hoạt động theo chuỗi tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động, phát triển rộng khắp, phủ kín khu vực nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân
Toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 4 siêu thị, 34 siêu thị điện máy, điện thoại thuộc chuỗi thương hiệu Thế giới di động, FPTshop, Mediamart, 16 siêu thị mini thuộc chuỗi thương hiệu Winmart+; có 90 chợ; 179 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động kinh doanh đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân. Hạ tầng thương mại điện tử đang từng bước phát triển, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt. Hoạt động lưu thông hàng hóa luôn được đảm bảo thông suốt, thị trường ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh được đảm bảo. Từ năm 2020 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng năm đều tăng, riêng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước. 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 26.979,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Với những ưu thế nổi bật về không gian mua sắm, tiện ích thanh toán, giải trí, vui chơi, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa, các trung tâm thương mại, siêu thị, mini mart, đang trở thành điểm lựa chọn của số đông người dân.
Chị Lê Thị Hiền, khách mua hàng tại cửa hàng WinMart+, đường 3/2, phường Quyết Thắng cho biết: Các thành viên trong gia đình thường xuyên mua hàng tại đây do hàng hóa đa dạng, có xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, thường xuyên có các đợt khuyến mãi để kích cầu. Người đi mua sắm không nhất thiết phải đem theo tiền mặt mà có thể chuyển khoản qua điện thoại, quẹt thẻ là thanh toán dễ dàng.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác hiệu quả các lợi thế và nguồn lực, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ; sản phẩm hàng hóa và các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Định hướng phát triển thương mại, dịch vụ bền vững theo hướng đồng bộ, hiện đại, thời gian tới, các huyện, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu vực có lợi thế về thương mại để thu hút đầu tư xây dựng các siêu thị có quy mô phù hợp, các cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng nhượng quyền hoặc kinh doanh theo chuỗi.
Sơn La tiếp tục tạo cơ chế khuyến khích các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm thương mại, dịch vụ; chú trọng tăng cường kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện xử lý những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ, góp phần ổn định thị trường.