Phát triển thương mại điện tử: Mấu chốt là nền tảng tín nhiệm
Thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam thời gian qua có sự phát triển vượt bậc và đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu… vẫn là những rào cản lớn trong phát triển TMĐT. Để nâng cao lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải xây dựng được nền tảng tín nhiệm trong TMĐT.
Dịch Covid-19 làm người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn
TMĐT đang là xu thế chủ đạo của nền thương mại toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn của TMĐT thế giới như: Alibaba, Lazada, Amazon, Shopee... sự vào cuộc mạnh mẽ của các sàn TMĐT trong nước như: Sendo, Tiki… cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đem lại những cơ hội lớn cho DN thu hút người dùng, đẩy mạnh kinh doanh, gia tăng lợi nhuận. TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: "TMĐT sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh. Không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo, dịch vụ bán hàng… TMĐT còn hỗ trợ các DN vượt qua rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng. Cùng với đó, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT là không giới hạn. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng không phải đến tận cửa hàng lựa chọn sản phẩm mà chỉ cần giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và chờ hàng hóa được giao đến tận nơi".
Với tốc độ tăng trưởng trung bình tăng 30%/năm, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh, tăng từ 4 tỷ USD lên 8 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2018. Dự kiến, với đà tăng trưởng ngày càng cao, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt 13 tỷ USD năm 2020 và đạt 33 tỷ USD năm 2025. Thị trường này bao gồm: Bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán các dịch vụ, sản phẩm số hóa khác. Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), ông Phan Thế Quyết cho biết: "Quy mô thị trường TMĐT đạt 13 tỷ USD năm 2020 là cao hơn mục tiêu nêu trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, trong đó có hơn 42 triệu người dùng internet, gần 130 triệu thuê bao di động, hơn 46,5 triệu người sử dụng smartphone, cùng với lực lượng DN đổi mới sáng tạo ngày càng xuất hiện nhiều... Con số này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ngành nghề, DN kinh doanh trực tuyến". Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, TMĐT vốn đã là một xu hướng phát triển trong những năm gần đây nhưng càng được đẩy mạnh trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19. “Do quy định giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, người tiêu dùng ngày càng thích ứng hơn với các hình thức mua sắm trực tuyến thông qua internet banking hay đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến. Tác động của dịch Covid-19 khiến TMĐT và kinh tế số len lỏi đến khắp các lĩnh vực kinh tế”, ông Võ Trí Thành nhận định.
Xây dựng công cụ đánh giá tín nhiệm gian hàng trực tuyến
Dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thị trường TMĐT nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Lợi dụng khung pháp lý còn thiếu và yếu, nhiều đối tượng đã thực hiện những hành vi gian dối như: Giao hàng không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng; hàng giả, hàng nhái... Những hành vi trên gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào các kênh bán hàng trực tuyến. Nêu rõ những băn khoăn này, ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khóa Việt-Tiệp cho biết: "Ngoài các kênh phân phối truyền thống, sản phẩm của công ty đã xuất hiện tại các sàn TMĐT và các mạng xã hội. Tuy nhiên, đã có tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên kênh bán hàng trực tuyến, tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín DN, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm". Do đó, để thị trường TMĐT phát triển lành mạnh, đại diện DN kiến nghị cơ quan quản lý có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng với hành vi vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Nêu rõ về những hạn chế của thị trường TMĐT ở nước ta hiện nay, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn EDX Nguyễn Đình Hùng: Các đơn hàng TMĐT trong nước phần lớn có trị giá nhỏ (khoảng 300.000 đồng), những đơn hàng giá trị cao hơn chiếm thị phần nhỏ. Bên cạnh đó, hình thức giao hàng thu tiền vẫn chiếm tới 90% thanh toán giao dịch TMĐT hiện nay. Lý do của hiện tượng này là do khách hàng chưa tin tưởng người bán hàng TMĐT ở trong nước về chất lượng hàng hóa, chính sách giải quyết khiếu nại. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam khá ưa chuộng mua hàng và giá trị các đơn hàng thường có giá trị cao qua các website TMĐT của nước ngoài như Amazon, eBay… do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao. Ngoài ra, khâu chăm sóc khách hàng và giải quyết khiếu nại đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến từ các sàn TMĐT này được giải quyết thỏa đáng. “Phải xây dựng TMĐT dựa trên nền tảng tín nhiệm. Hệ thống TMĐT trên thế giới thành công vì có nền tảng tín nhiệm cao”, ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh.
Phân tích rõ hơn, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) Lê Đức Anh đưa ra ví dụ đối với sàn TMĐT Amazon, website này không chạy quảng cáo để tăng số lượng truy cập, thực hiện giao dịch mua sắm trực tuyến nhưng vẫn có rất nhiều người lựa chọn mua sắm. Thậm chí, đây trở thành địa chỉ để tham khảo giá, kiểm tra thông tin hàng hóa. Bởi sàn TMĐT Amazon cho phép đánh giá công khai tín nhiệm của gian hàng; từ đó gian hàng nào làm tốt được hiển thị lên trên, gian hàng nào kém bị loại bỏ. Ông Lê Đức Anh cũng cho rằng, việc xây dựng tín nhiệm có thể thực hiện trên cơ sở xử lý tranh chấp, khiếu nại, chất lượng dịch vụ giao hàng, phát triển sản xuất trong nước, giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển thanh toán bảo đảm... Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích thêm nhiều DN tham gia TMĐT, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để TMĐT phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả, ngoài sự năng động, chuyên nghiệp của DN, theo các chuyên gia kinh tế, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng trong xây dựng cơ sở pháp lý cộng với cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề an ninh mạng và các biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp, giảm thiểu, ngăn chặn các vụ lừa đảo xảy ra trong TMĐT. "Sự phát triển của DN Việt Nam và việc tham gia TMĐT có làm tăng sức cạnh tranh của DN hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khung pháp lý và chính sách, nguồn nhân lực", TS Lê Xuân Sang nhấn mạnh.